Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, mấy năm qua, vùng kinh tế này không thực hiện được việc liên kết, làm giảm vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tại Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" diễn ra chiều 27/9 do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với UBND các tỉnh, thành đồng tổ chức, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam cùng bàn giải pháp để tạo sự liên kết vùng kinh tế này, tạo ra các chuỗi giá trị về kinh tế, giao thông cho cả nước.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TPHCM và 7 tỉnh gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước; Bà Rịa-Vũng Tàu; Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Với diện tích hơn 30.400 km2; dân số dự kiến đến năm 2020 khoảng 22 triệu người. Đóng góp khoảng 46% GDP cả nước và hơn 42% nguồn thu ngân sách quốc gia, chiếm 60 số dự án và 40% vốn FDI.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương Đảng, Chính phủ là phải liên kết vùng, tập trung nguồn lực để thực hiện đúng mục tiêu nền kinh tế động lực của cả nước.
Quang cảnh Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" chiều 27/9 tại Hội trường Thống Nhất
Để phát huy tiềm năng thực sự của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ, chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch Vùng theo Luật quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển Vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.
Mặt khác, để nâng cao tính năng động của các địa phương có lợi thế phát triển, cần cho thí điểm cơ chế tự chủ ngân sách 4 địa phương: TPHCM; Bình Dương; Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo cơ chế: Giảm bớt phần lồng ghép ngân sách nhà nước giữa Trung ương và địa phương; ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo Luật ngân sách trong 5 năm.
Địa phương được hoàn toàn tự chủ chi phần ngân sách địa phương. Phần ngân sách Trung ương hỗ trợ như đầu tư do Trung ương kiểm soát. Cơ chế này kèm theo cơ chế tăng trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân và tính công khai minh bách về ngân sách.
Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại diễn đàn
Cũng theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, cần xem việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng là tiền đề của liên kết phát triển Vùng và điều kiện để xây dựng các đô thị mới. Trong tương lai, nếu giải quyết tốt liên kết vùng, đây sẽ là nơi đến của doanh nghiệp… “Chính sách theo quan điểm của tôi, nhà nước muốn gì thì chính sách tác động vào thị trường. Nếu chính sách mà doanh nghiệp thấy có lợi thì người ta làm theo. Khi chính sách mà người ta thấy rằng tôi liên kết lại mà tôi có lợi thì tôi liên kết…”.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là thời kỳ mà các dự án của TPHCM phải tạo ra mạng lưới cho các địa phương khác phát triển, tạo chuỗi giá trị, phải xây dựng được cơ chế hợp tác.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần có Ban chỉ đạo khu vực với các Phó Thủ tướng chỉ đạo. Có một hội đồng vùng trên cơ sở phối hợp địa phương; một hội đồng doanh nghiệp trên cơ sở tương tác giữa của doanh nghiêp.
Đây sẽ là kiềng 3 chân cho sự phát triển của vùng. Vùng này cần phát triển kinh tế số, khuyến khích hình thành các hội đồng doanh nghiệp theo từng lĩnh vực như nông nghiệp, dich vụ...
Nếu thiết lập được cơ chế liên kết như vậy thì sẽ tạo được liên kết thành công: “Các địa phương hãy hội nhập với nhau, trong đó cần có chiến lược quy hoạch và phát triển toàn diện, đồng bộ và hiệu quả. Chính phủ và các cơ cấu liên kết vùng như các Hội đồng Vùng phải đóng vai trò dẫn dắt. Khu vực doanh nghiệp rất quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân rất quan trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước phải đóng vai trò dẫn dắt, khu vực doanh nghiệp giữ vai trò động lực. Một nhà nước kiến tạo phải có khả năng đề ra các chính sách công nghiệp và chính sách vùng hợp lý để dẫn dắt khu vực tư nhân. Tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn chưa có một mô hình hợp lý để thực hiện mục tiêu và định hướng này. Cần thiết lập ngay một hội đồng doanh nghiệp vùng trên cơ sở liên kết các hiệp hội doanh nghiệp vùng”.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn
Ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài chính thông tin, TPHCM được phân bổ thêm 70% số chi tính theo định mức dân số; các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được phân bổ thêm 40% số chi tính theo định mức dân số; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được phân bổ thêm 35% số chi tính theo định mức dân số.
Ngoài ra, tỉnh Long An và Tiền Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng cũng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên nâng mức phân bổ lên 7% số chi tính theo định mức dân số. “Tại sao có sự phân bổ này, bởi vì trong hoạt động của các tỉnh này yêu cầu về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế có cả vấn đề về dân số cơ học. Do đó khi phân bổ định mức này, nhà nước có ưu tiên. Trong đầu tư trong tiêu chí phân bổ tính điểm với các tỉnh có điều tiết về ngân sách trung ương là điểm cao nhất”.
Tuyên dương 30 doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Tại sự kiện này, 30 doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tuyên dương.