Liên kết vùng để tạo sức mạnh cạnh tranh

(VOH) - Trong bối cảnh hội nhập và phát triển toàn cầu, doanh nghiệp, tỉnh thành cần liên kết để tạo sức mạnh cạnh tranh. Là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TPHCM đã và đang có chiến lược thực hiện vòng dây liên kết.

Phóng viên VOH phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC).

TPHCM luôn ở vị trí dẫn đầu trong 63 tỉnh, thành về thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: VNS

*VOH: Thưa ông, hoạt động xúc tiến thương mại trong một năm qua đã có những đóng góp tích cực thế nào đối với sự phát triển của nền kinh tế thành phố?

- Ông Nguyễn Tuấn: Có thể nói hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu thành phố, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến có giá trị gia tăng cao, cũng cố thị trường trong nước và phát triển hệ thống phân phối, đặc biệt trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy và kịp thời thì tôi có thể đánh giá rằng, doanh nghiệp Việt đã chuyển mình rất tích cực. Công tác tổ chức và tham gia các hội chợ chuyên ngành, các sự kiện lớn trong và ngoài nước cũng góp phần quảng bá thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam đến thị trường thế giới. Công tác xúc tiến thị trường nội địa cũng đã góp phần cũng cố, đưa hàng hóa Việt Nam đi vào nhiều nước trong khu vực và thế giới, góp phần kích cầu cho kinh tế thành phố.

Đặc biệt, sự liên kết vùng giữa Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố với các tỉnh thành phía Nam cũng đã giúp cho hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cả khu vực phía Nam có nhiều nét khởi sắc. Minh chứng rõ ràng nhất là trong năm 2016, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với TPHCM tổ chức hội thảo xúc tiến mời gọi đầu tư cho các tỉnh, thành phía Nam.

*VOH: Điểm nổi bật của hoạt động xúc tiến thương mại là tạo ra sức mạnh từ sự liên kết vùng, với quan điểm lấy TPHCM làm hạt nhân, công tác xúc tiến thương mại và đầu tư sẽ có hoạt động gì để khẳng định vị trí trung tâm này?

- Ông Nguyễn Tuấn: Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay thì nhu cầu về việc liên kết và phát triển vùng là nhu cầu tất yếu, không một tỉnh hay một thành phố nào có thể đứng ngoài quy luật này. Nhận thức được vấn đề này thì trong những năm qua, TPHCM đã có liên kết rất tốt.

Hiện nay thành phố đã có sự ký kết hợp tác với trên 40 tỉnh thành trên cả nước. Hoạt động này càng ngày càng thể hiện vai trò đầu tàu của thành phố. Thành phố với một thị trường rộng lớn, sức tiêu thụ rất tốt, đây chính là một thị trường rất tốt để các tỉnh, thành phía Nam tiêu thụ những hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa mang tính đặc thù của từng tỉnh, thành.

Trước đây việc liên kết này chúng ta làm với từng tỉnh thành một thông qua hoạt động sự kiện; năm nay ITPC xây dựng chương trình cụ thể với sự tham dự của nhiều tỉnh thành tham dự, sẽ tổ chức hội chợ chuyên ngành như Hội chợ tìm vật liệu xây dựng cho các tỉnh, thành phía Nam, để có sự tham dự, quảng bá của nhiều tỉnh thành vào hoạt động chung, tạo sức mạnh thống nhất trong hoạt động liên kết vùng.

Để thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì chúng tôi đã tổ chức những tuần lễ giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp TPHCM tại các tỉnh, khởi điểm năm 2016 chúng tôi đã thực hiện ở Tây Ninh. Sự kiện này đã gây được tiếng vang rất lớn và trong năm 2017 chúng tôi dự kiến sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này.

Chúng tôi hy vọng thông qua chuỗi hoạt động liên kết như thế này, các tỉnh thành sẽ tạo nên một khối thống nhất, tạo nên một thị trường rộng lớn ở khu vực phía Nam, để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói riêng và các tỉnh thành nói chung, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đầu tư của mình.

*VOH: Trước sự liên kết rộng lớn và chặt chẽ như thế thì bản thân mỗi doanh nghiệp cần làm gì để phát huy sức mạnh nội tại cũng như nâng cao sức mạnh cạnh tranh của mình, để có thể nắm bắt được thời cơ của vận hội mới này?

- Ông Nguyễn Tuấn: Hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa thì sự cạnh tranh đang diễn ra rất gay gắt giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là khi chúng ta tham gia vào nhiều FTA. Từng doanh nghiệp theo tôi là cần phải xác định được thế mạnh của mình, xác định được phân khúc thị trường.

Nói về kinh nghiệm, nguồn vốn, công nghệ thì chúng ta không thể cạnh tranh được với các tập đoàn, doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn, do đó, chúng ta cần phải tìm thị trường lớn; thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại thì nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Điểm thứ hai mà doanh nghiệp cần lưu ý là cần tạo sự liên kết, một chuỗi hoạt động. Có nghĩa là một doanh nghiệp có thể cung cấp một phần trong chuỗi giá trị, như thế sẽ tạo ra được những gói sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng cao. Xu thế bây giờ là tất cả đều liên kết, doanh nghiệp không thể nào hoạt động độc lập được.

Hiện nay, thực hiện sự chủ đạo của Thành ủy, UBND TP thì các Sở, ngành của thành phố cũng như vai trò là đơn vị tham mưu cho thành phố thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại và đầu tư, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường cũng như là cung cấp những thông tin về những ngành hàng, những sản phẩm để giúp các doanh nghiệp kịp thời định vị lại được những lợi thế của mình, cũng như thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện để doanh nghiệp có thể cập nhật kịp thờikiến thức, kỹ năng, góp phần cải tiến được hoạt động thương mại và đầu tư của mình.

*VOH: Cảm ơn ông.

Bình luận