Chờ...

Mặt bằng giá cả thị trường tăng nhẹ trong quý 4

VOH - Chiều 23/1, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - đã chủ trì cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2023 biến động tăng vào đầu năm, sau đó theo xu hướng giảm dần và tăng nhẹ trở lại trong quý 4.

Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022.

Theo đại diện Bộ Tài chính, một số mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong rổ tính lạm phát cơ bản có xu hướng tăng kéo dài như "nhà ở thuê", "ăn uống ngoài gia đình".

Cụ thể, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24%, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.

ăn uống ngoài gia đình
Ảnh minh họa

Chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng đã tác động làm CPI tăng lên.

Riêng chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023 - 2024 theo lộ trình làm CPI chung tăng 0,46%.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng hóa như xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông giảm giá, làm CPI chung giảm.

Năm 2024, Quốc hội đề ra tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 - 4,5%. Trên cơ sở tổng hợp nhiều yếu tố, nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.