The Kyodo news đưa tin vào ngày 24/1, diễn biến này phản ánh nỗi lo của Mitsubishi Motors về việc mất quyền kiểm soát quản lý nếu tham gia vào vụ sáp nhập Nissan-Honda dưới dạng công ty mẹ.
Mitsubishi Motors - công ty có trụ sở tại Tokyo này là đối tác của Nissan và có thế mạnh tại các thị trường Đông Nam Á như Indonesia và Philippines.
Người ta vẫn nghi ngờ về hiệu ứng hiệp lực của vụ sáp nhập giữa Honda, Nissan và Mitsubishi Motors, vào thời điểm tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô chuyển sang phát triển xe điện và phần mềm, những lĩnh vực mà cả 3 nhà sản xuất ô tô đều đang gặp khó khăn.
"Ở giai đoạn này, chúng tôi đang xem xét nhiều khả năng khác nhau và chưa quyết định hướng đi cụ thể nào", nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Tokyo cho biết trong một tuyên bố vào ngày 24/1.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Mitsubishi Motors Takao Kato phát biểu với các phóng viên ở Tokyo: "Chưa có quyết định nào được đưa ra".
Honda và Nissan, hai nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai và thứ ba của Nhật Bản xét theo khối lượng, đã công bố sẽ bắt đầu đàm phán để sáp nhập thành một công ty cổ phần vào năm 2026, qua đó tạo ra tập đoàn ô tô lớn thứ ba thế giới xét theo khối lượng để cạnh tranh với các nhà sản xuất xe điện của Mỹ và Trung Quốc.
Thời điểm công bố, Mitsubishi Motors cho biết hãng cân nhắc quyết định có tham gia vào vụ sáp nhập này hay không vào cuối tháng 1/2025.
Tổng doanh số bán hàng của Honda, Nissan và Mitsubishi Motors đạt hơn 8 triệu xe vào năm 2023, so với 11,23 triệu xe của tập đoàn Toyota Motorvà 9,24 triệu xe của Volkswagen.