Năm 2018 tiếp tục cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp nhà nước

(VOH) - Năm 2018 tiếp tục cơ cấu toàn diện DNNN hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa ký Quyết định 112/QĐ-BĐMDN ban hành Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp năm 2018.

Hình minh họa.

Theo đó, năm 2018 Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bảo đảm số thu về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện.

Trước ngày 10/1/2019, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có báo cáo đánh giá, kiểm điểm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu không hoàn thành kế hoạch được giao, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương bán cổ phần lần đầu (IPO) đối với các doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa.

Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoàn thành việc phê duyệt đề án cơ cấu lại các DNNN. Tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN về tổ chức, nhân sự, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề....

Đồng thời,  rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan...

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động.

Chỉ đạo người đại diện đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện bàn giao các doanh nghiệp đã thống nhất, thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước; bàn giao các Tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn của Nhà nước trong danh sách DNNN thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, ngành về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong doanh nghiệp nhà nước.

Bình luận