Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Nông nghiệp thời gian tới cần nâng cao chất lượng để chiếm lĩnh thị trường trên tinh thần đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị chứ không phải là đem hàng hóa từ thành thị vào nông thôn.
Bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường – nhận định, năm 2020 là một năm đầy gian nan thử thách chưa từng có, một năm vượt khó đi lên, nhưng với sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị toàn ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân. “Chúng ta đã căn bản đạt được các mục tiêu đề ra. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ, đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tạo tiền đề tốt hơn cho giai đoạn phát triển tới đây”, ông Cường đánh giá.
Năm 2020, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ đô la Mỹ, duy trì 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ đô la Mỹ gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo; Thặng dư thương mại ước đạt 10,3 tỷ đô la Mỹ. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh – đề xuất Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo cho các Bộ, ngành trong việc chủ động phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để chúng ta hỗ trợ và tổ chức triển khai thực hiện cho các hoạt động phát triển nông nghiệp và nông thôn ở tại các địa phương.
Năm 2021, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,7 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8 - 3,1%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ đô la Mỹ; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 70%; Thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp và có trên 16.500 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, những nhà sản xuất nông nghiệp, những hộ sản xuất nông nghiệp chú trọng hơn nữa thị trường 100 triệu dân trong nước, chất lượng nông sản cao, mẫu mã đẹp, an toàn thực phẩm…“Trong lúc chúng ta đàm phán mở cửa thị trường thì nâng cao chất lượng để chiếm lĩnh thị trường trên tinh thần đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị chứ không phải là đem hàng hóa từ thành thị vào nông thôn – ngành nông nghiệp phải quán triệt vấn đề này. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu nông nghiệp rất quan trọng lúc này”, Thủ tướng định hướng.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp sẽ chú trọng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện việc lập 4 Quy hoạch ngành quốc gia và tham gia xây dựng các Quy hoạch có liên quan đến nhiệm vụ của Bộ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Quy hoạch, đảm bảo kịp thời đáp ứng công tác quản lý nhà nước của ngành; Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở; xây dựng và triển khai đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng chịu ảnh hưởng thiên tai. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Song song đó, ngành Nông nghiệp cũng sẽ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.