Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, đóng góp hỗ trợ cho nông thôn Thành phố. Quy mô vốn đầu tư, vốn vay qua các năm tăng dần, đặc biệt năm 2020, bình quân vốn đầu tư 2.234 triệu đồng/hộ/phương án cao hơn 1,48 lần cùng kỳ năm 2019 và cao 4 lần bình quân giai đoạn 2011-2019. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay, bình quân mỗi xã đạt 18,91/19 tiêu chí nâng chất; bình quân mỗi huyện đạt 8,8/9 tiêu chí. Nhìn lại năm 2020 và hướng tới năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn TPHCM, ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố đã trả lời phỏng vấn của VOH.
*VOH: Thưa ông, ông nhận định ra sao về năm 2020 của ngành nông nghiệp trên địa bàn TPHCM?
Ông Đinh Minh Hiệp: Năm 2020 thì ngành Nông nghiệp TP cũng đã có rất nhiều cố gắng. Mặc dù cũng đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng của ngành Nông nghiệp cũng theo đà tăng trưởng dương và cũng đã thể hiện được vai trò trong hoạt động chung của ngành nông nghiệp đối với vấn đề đảm bảo nông sản cho Thành phố. Tính ra tỷ lệ tốc độ tăng trưởng so với năm 2019 thì có thấp hơn nhưng vẫn đạt được những kế hoạch đề ra, và đặc biệt nhất là đảm bảo nhu cầu về mặt lương thực - thực phẩm cho người dân Thành phố. Bên cạnh đó, các hoạt động triển khai liên quan đến Nông thôn mới thì cũng đã triển khai được 56/56 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Dự kiến trong thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ đạt được chuẩn Nông thôn mới ở cấp huyện. Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với hoạt động chung của ngành Nông nghiệp Thành phố.
*VOH: Diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp và áp lực cạnh tranh từ sân chơi hội nhập gia tăng đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chuyển mình một cách quyết liệt. Trong xu thế này thì theo ông đâu là những giá trị cũ, lạc hậu mà ngành nông nghiệp TP cần thay đổi triệt để?
Ông Đinh Minh Hiệp: Thực sự hiện nay thì ngành Nông nghiệp Thành phố cũng đã định hướng theo Nông nghiệp đô thị cách đây cũng đã hơn 10 năm rồi. Và hiện nay gắn chặt với định hướng về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Năm nay thì gắn chặt hơn nữa đối với vấn đề liên quan đến giống cây và giống con. Những vấn đề tồn tại của ngành Nông nghiệp thì vẫn liên quan đến việc sản xuất nhỏ lẻ; Và những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay thì vẫn còn một số mô hình vẫn theo truyền thống. Chính vì vậy, Thành phố đang đẩy mạnh hơn nữa tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để làm sao hướng tới giá trị gia tăng. Theo như định hướng của giai đoạn 2016 – 2020 thì chúng ta đã đạt được yêu cầu là từ 600 – 700 triệu/ha, thì mình đang hướng tới giai đoạn 2021 – 2025 thì chúng ta sẽ đạt từ 800 – 900 triệu/ha. Và mong muốn như vậy thì chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi người dân cần phải trang bị kiến thức cũng như kỹ năng. Và đây chính là điểm mà ngành Nông nghiệp Thành phố đang cần nỗ lực để khắc phục sự tồn tại này.
*VOH: Với việc nền kinh tế tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại quan trọng thì ông đánh giá như thế nào về cơ hội dành cho ngành Nông nghiệp TP? Đâu là những lĩnh vực hoặc ngành hàng thế mạnh mà chúng ta có thể tập trung khai thác?
Ông Đinh Minh Hiệp: Theo tất cả những Hiệp định Thương mại mà chúng ta đã ký kết thì ngành Nông nghiệp rất thuận lợi, và đặc biệt nhất là vai trò của TPHCM là trung tâm xuất khẩu cho ngành nông sản. Chính vì vậy mà ngành Nông nghiệp Thành phố sẽ gắn với nông nghiệp của các Tỉnh/Thành để làm sao kết nối chuỗi cung ứng cũng như đẩy mạnh khâu chế biến để tạo được giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta đặc biệt tập trung cho những khâu quan trọng trong sản xuất như về giống, kỹ thuật và chế biến sau thu hoạch. Đây là những điểm mà tôi nghĩ nó sẽ tạo giá trị gia tăng cho Thành phố, và quan trọng hơn nữa là thể hiện chuỗi cung ứng đóng góp của Thành phố đối với việc xuất khẩu. Cho nên nếu nói về cơ cấu ngành, đánh giá chung hiện nay thì ngành trồng trọt và ngành thủy sản sẽ có cơ hội phát triển tốt, còn ngành chăn nuôi thì sẽ có bước chựng lại cũng vì câu chuyện ảnh hưởng bởi các dịch bệnh và câu chuyện liên quan đến giá cả cạnh tranh thị trường. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả bà con nông dân khi triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thì chúng ta đặc biệt lưu ý những việc liên quan đến lĩnh vực trồng trọt và lĩnh vực thủy sản.
*VOH: Như ông có nói thì ngành Nông nghiệp Thành phố có ảnh hưởng đến vấn đề dịch bệnh. Như vậy, ngành Nông nghiệp Thành phố sẽ có định hướng như thế nào trong việc kiểm soát dịch tả heo Châu Phi cũng như dịch cúm gia cầm?
Ông Đinh Minh Hiệp: Dịch tả heo Châu Phi diễn ra nặng nề nhất đối với TPHCM vào năm 2019, và sau năm 2019 thì chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm trong việc dập dịch, khống chế dịch và phòng dịch. Chính vì vậy, năm 2020 chúng ta cũng đã triệt để triển khai hàng loạt các hoạt động; Bên cạnh đó, sự hợp tác với các địa phương thì cũng khá nhiều hộ dân đã kịp thời chuyển đổi đối tượng sản xuất. Do đó, một trong những khâu kiểm soát đối với phòng chống dịch là cũng đã hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cơ cấu kịp thời. Và hiện nay thì vẫn còn câu chuyện liên quan đến cúm gia cầm thì một số chợ - gọi là chợ tự phát – vẫn còn một số người bán gia cầm sống. Chúng tôi hiện đang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; Song song đó, chúng tôi tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán kinh doanh gia cầm sống để hạn chế tối đa câu chuyện liên quan đến dịch cúm gia cầm.
*VOH:Năm 2021 thì ngành nông nghiệp TP sẽ tập trung cho những nội dung trọng tâm nào?
Ông Đinh Minh Hiệp: Năm 2021 là năm khởi đầu cho kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025. Chúng tôi đang tập trung những việc sau: Thứ nhất, triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo định hướng của Chính phủ. Thứ hai, chúng tôi triển khai Chương trình – thực hiện Chương trình trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI của TPHCM là Chương trình phát triển giống cây, giống con và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thứ ba, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động liên quan đến Nông thôn mới. Thứ tư, chúng tôi sẽ làm sao phát triển được khâu liên quan đến kết nối chuỗi cung ứng với các Tỉnh/Thành để đảm bảo được lượng hàng hóa cho Thành phố và cũng như đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến nông sản.
*VOH: Cảm ơn ông.