Trong năm 2023, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ đạt từ 5,5 - 5,6 tỷ đô la mỹ. Đây là mức cao kỷ lục của ngành hàng này từ trước đến nay.
Hiện Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 66%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản…
2 tháng gần đây, xuất khẩu rau quả có xu hướng giảm do Việt Nam hết mùa sầu riêng. Hiện chỉ còn sản lượng rất ít ở Gia Lai và sầu riêng trái vụ ở miền Tây.
Riêng mặt hàng sầu riêng, trong 10 tháng, giá trị xuất khẩu đạt 2,076 tỷ USD, tăng trên 500% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Tuy nhiên, năm nay xuất khẩu tôm ước đạt 3,4 tỷ đô la mỹ, thấp hơn 21% so với năm ngoái theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết. Hiện nay lượng tôm thương phẩm lưu thông không nhiều, các doanh nghiệp chế biến chỉ nhận lượng tôm nguyên liệu hàng ngày chỉ bằng nửa so các năm bình thường. Nguyên nhân là đơn hàng không có nhiều.
Xuất khẩu tôm giảm 21%
Tuy nhiên, trong tháng 11 vừa qua, xuất khẩu tôm đạt hơn 310 triệu đô la Mỹ, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm vẫn bị chi phối bởi cạnh tranh về giá, khi mà nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá bán hạ. Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng đầu là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc…
Theo đánh giá của VASEP, lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu, tuy nhiên nhu cầu vẫn yếu. Nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán. Giá sẽ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng thấp theo mùa.