Năng lượng tái tạo giúp Việt Nam phát triển bền vững

(VOH) - Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Điệp, Phó TGĐ Pacific Group, trong những năm tiếp theo, nếu VN giữ mức tăng trưởng NLTT như ba năm qua thì an ninh năng lượng của VN được đảm bảo ở mức cao nhất

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tổng công suất điện mặt trời hòa lưới của Việt Nam đã cung cấp nguồn điện với tỉ lệ 25% sản lượng điện quốc gia. Điều này giúp kéo giảm một cách đáng kể chi phí nhiêu liệu than đá và dầu hỏa. Chỉ trong vòng 3 năm (từ 2017) Việt Nam đã làm được điều ngoạn mục, là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về phát triển năng lượng xanh bền vững.

Năng lượng tái tạo giúp Việt Nam phát triển bền vững 1
Thạc sĩ Nguyễn Văn Điệp - Phó tổng giám đốc Pacific Group, doanh nghiệp phát triển hạ tầng xanh và năng lượng tái tạo tại Việt Nam với các đối tác tài chính, công nghệ Nhật Bản. Ông Điệp đã có hơn 15 năm kinh nghiệm phát triển các dự án hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ đang cân đối lại việc phát triển điện mặt trời. Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngừng đấu nối dự án mới vào lưới. Đây là một động thái kịp thời vì trong năm 2020, việc phát triển nhanh các dự án điện mặt trời áp mái ở một số địa phương còn tồn tại bất cập: một số nhà đầu tư làm trang trại nông nghiệp giả và lắp hệ thống điện mặt trời áp mái để hưởng giá cao (8.38 cent$/kWh). Ngoài ra, các khu vực áp mái không kiểm soát khiến cho lưới điện quá tải. Bộ Công Thương và EVN cần thời gian để điều chỉnh phù hợp.

Trong những năm tiếp theo, nếu Việt Nam giữ mức tăng trưởng năng lượng tái tạo như ba năm qua thì an ninh năng lượng của Việt Nam được đảm bảo ở mức cao nhất do các nguồn năng lượng ‘trời cho’ miễn phí này mang lại: điện gió, điện mặt trời không phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu và chi phí vận hành khá thấp so với điện than cũng như các loại nhiệt điện khác (điện khí, điện chạy dầu diesel v.v.)

Năng lượng tái tạo giúp Việt Nam phát triển bền vững 2
Khai thác mặt hồ thiên nhiên, hồ thủy lợi để phát triển điện mặt trời nổi là 1 xu thế đang phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, EVN đã phát triển dự án mô hình này. Một số doanh nghiệp tư nhân tại BRVT cũng đang phát triển

Ngoài điện mặt trời và điện gió, Việt Nam sở hữu bờ biển dài, có thể phát triển thêm điện song biển (wave power) và điện thủy triều (tidal power). Ngoài ra, để bảo vệ  và phát triển rừng thì nguồn điện sinh khối sẽ phát huy hiệu quả nhất. Phát điện từ rác đô thị giúp bảo vệ môi trường tốt nhất và cung ứng cho cộng đồng một nguồn năng lượng sạch với giá thành thấp.