TPHCM hiện có 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng là các sản phẩm thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu bao gồm: cơ khí, điện tử, hóa dược - cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực thực phẩm và ngành công nghiệp dệt may truyền thống. Để hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng này, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP - Nguyễn Phương Đông cho biết, Sở Công Thương trước đó đã đề xuất UBND TP về cơ chế và chính sách giúp các doanh nghiệp được tham gia vào chương trình kích cầu đầu tư của TP để đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng với đó, các sở ngành cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai để mở rộng sản xuất; đổi mới khoa học công nghệ nâng cao năng lực sản xuất cạnh tranh, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu để trở thành những thương hiệu mạnh, hỗ trợ kết nối ngân hàng… Đây là cơ hội tốt để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng ký kết hỗ trợ vốn cho nhóm doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp tiềm năng.
Theo ông Đông trong chương trình kích cầu đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ, năm 2018, HĐND TP ban hành nghị quyết 16 về chương trình kích cầu công nghiệp hỗ trợ cho TP giai đoạn 2018-2020. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang xúc tiến các dự án nộp hồ sợ tại Sở Công thương để thụ lý theo quy trình giải quyết trong vòng 15 ngày sẽ trình UBND TP để có quyết định phê duyệt cho các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu.
Năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM đã cho vay hơn 10.600 khách hàng theo chương trình kết nối ngân hàng với số tiền gần 286.000 tỷ đồng.
TPHCM là địa phương triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt đi đầu trong cả nước về triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Các hình thức kết nối thông qua ký kết cho vay chuyên đề như: nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai các gói tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân, tổ chức trên địa bàn với lãi suất ưu đãi.
Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã góp phần giúp TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là gần 15% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 346.000 tỷ đồng. Năm 2019, có 15 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia với tổng số tiền đăng lý theo theo gói tín dụng là gần 267.000 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/3/2019, các ngân hàng đã giải ngân hơn 9.100 tỷ đồng cho vay hơn 1.000 khách hàng. Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết triển khai cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước, chủ trương chỉ đạo của UBND TP đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn để định hướng các ngân hàng trong việc tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các ngành lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay doanh nghiệp theo chương trình kích cầu của TP, bình ổn thị trường, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh.
Tại hội nghị, ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP, nêu kiến nghị doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi hoạt động tín dụng mang tài sản ra để thế chấp, và chúng ta cố gắng khắc phục làm sao nâng tỷ lệ tín chấp nhiều hơn. Hãy đánh giá các doanh nghiệp qua việc sử dụng vốn, qua những dự án, qua dòng tiền, qua thương hiệu, thị trường và qua vị trí của họ trên mỗi ngành nghề.
Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp
Yêu cầu các sở ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiếp tiếp cận chính sách của TP, Trung ương, ngay tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP - Lê Thanh Liêm, trực tiếp chỉ đạo các Ngân hàng tháo gỡ từng vấn đề cụ thể trong vay vốn mà doanh nghiệp.
Trước băn khăn của doanh nghiệp về việc thẩm định giá thấp đối với tài sản thế chấp của doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Đào Minh Tú nhìn nhận, việc định giá tài sản theo giá thị trường lên xuống thất thường cũng rất khó cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ. Theo ông Tú cần đẩy nhanh làm sao tháo gỡ để nâng được giá trị tài sản thế chấp, hoặc mạnh dạn cho vay 70-80% giá trị khi xác định giá trị tài sản thế chấp đó. “Quan điểm chúng tôi làm sao để quản lý được dòng tiền và thay cho việc thế chấp, việc làm đó thuận lợi hơn. Và đó là xu hướng minh bạch, công khai của nền kinh tế khi tiếp cận sâu kinh tế thị trường”, ông Tú nói.