Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt gần 1,4 triệu tấn với giá trị 2,3 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 8% về lượng và tăng 6,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2021.
Hằng năm, ngành cao su đóng góp vào ngân sách nhà nước gồm các sản phẩm chính từ cao su thiên nhiên, sản phẩm công nghiệp cao su và gỗ cao su vào khoảng 7-8 tỷ đô la Mỹ.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM, ngành cao su Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về cơ chế, chính sách liên quan đến thuế giá trị gia tăng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất.
Với ngành nhựa, EU là thị trường có lượng đơn hàng nhập khẩu tăng liên tục từ nhà cung ứng nhựa Việt Nam.
Theo các chuyên gia, ngành nhựa Việt Nam có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang EU do có năng lực cạnh tranh tốt ở một số dòng sản phẩm: bao bì, đồ gia dụng điện tử, dệt may, giày dép…
Theo nhận định của các doanh nghiệp, thị trường nhựa Việt Nam ước tính đạt ngưỡng trước đại dịch và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân kép, dự kiến đạt trên 10% trong vòng 5 năm tới.
Ngành nhựa đối diện với không ít khó khăn, phụ thuộc quá nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài; nguồn cung trong nước khan hiếm trong khi tình hình giá tăng cao, hoạt động nhập khẩu thất thường, giá thành sản phẩm tăng, chất lượng giảm làm mất nhiều cơ hội cạnh tranh trên thị trường…

Ngày 23 – 26/11 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) diễn ra Triển lãm Quốc tế Ngành Nhựa và Cao su Việt Nam lần thứ 20 – VietnamPlas 2022 nhằm kết nối với các đối tác quốc tế.