Ngành rau quả Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến

(VOH) - Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nhà xuất khẩu hoa lớn nhất thế giới.

Triển lãm và hội nghị quốc tế lần thứ 3 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả tại Việt Nam diễn ra ngày 26/2 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, TPHCM thu hút hơn 150 doanh nghiệp đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Với tổng diện tích trưng bày 2.200 m2, triển lãm dự kiến đón khoảng 4.500 khách tham quan thương mại.

rau quả, hoa, xuất khẩu

Các loại trái cây giới thiệu tại triển lãm

Các lĩnh vực ngành nghề tham gia trưng bày tại triển lãm lần này gồm: Công nghệ dùng cho Rau Hoa Quả, Trang thiết bị và công nghệ nhà kính; Công nghệ thu hoạch - bảo quản - làm mát - chế biến; Công nghệ làm vườn; Hoa kiểng và nhà vườn, Vườn ươm và thiết kế cảnh quan… Sự kiện kết nối được các doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng, tăng cường hoạt động xúc tiến, xuất khẩu.

rau quả, hoa, xuất khẩu

Hoa các loại được trưng bày và giới thiệu tại triển lãm.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nhà xuất khẩu hoa lớn nhất thế giới. Cùng với đó, xuất khẩu trái cây và rau quả Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua với tỷ lệ trung bình 26,5% /năm, từ 439 triệu đô la Mỹ trong năm 2009 đến gần 4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019, được kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa do nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng cao trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngành rau quả Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, nhất là nước ép vì quy mô thị trường rất lớn. Hiện thị trường nước ép trái cây và rau quả thế giới có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 3%/năm trong giai đoạn 2019-2024 và dự báo đạt 174 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024.

“Riêng Nhật với thị trường Châu Âu, tôi đánh giá hàng tươi chắc không bằng nếu chúng ta đẩy mạnh được hàng chế biến. Nhưng Việt Nam mình công nghệ chế biến ít và yếu, cả nước chỉ có 150 cơ sở công nghệ chế biến mà thiếu kỹ thuật, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sâu. Tôi lấy ví dụ bưởi, khi mình xuất bưởi sang châu Âu ít mua bởi người châu Âu thích ăn cái gì mà tiện lợi. Bên Thái Lan người ta tách bưởi ra cho vào hộp, đông lạnh, sầu riêng cũng tách vỏ ra để xuất khẩu. Như vậy người mua bên châu Âu mua siêu thị về ăn thôi chứ khỏi mắc công lột vỏ. Nếu làm được cái này đòi hỏi vi sinh rất kỹ. Do đó làm được cái này đòi hỏi phải có kỹ thuật”.

rau quả, hoa, xuất khẩu

Các đối tác nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, xuất khẩu

Do lâu nay Việt Nam chỉ tập trung xuất khẩu vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đặc biệt, chúng ta phụ thuộc không ít vào thị trường truyền thống của Trung Quốc, nên ngay cả việc thay đổi chính sách nhập khẩu của nước này cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát hiện nay, thị trường giao dịch nông sản qua biên giới Việt - Trung bị tắc nghẽn càng cho thấy ngành rau, hoa, quả phải tái cơ cấu thị trường, tránh rủi ro vì phụ thuộc vào những thị trường nhất định.

Cùng với đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu rau hoa quả Việt Nam nên chú ý đến các thị trường mới và tiềm năng như Thái Lan, Châu Phi. Nhìn nhận thị trường rau, hoa, quả tại Việt Nam còn nhiều “dư địa” để khai thác, ông Kim Koop – Giám đốc công ty Dumen Orange cho hay: “Thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng, đây là thị trường mới đối với chúng tôi. Chúng tôi đã có nền tảng tại Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc do đó mục tiêu kế tiếp có thể là Việt Nam. Chúng tôi thấy người Việt Nam rất thích hoa, năng động, trẻ trung và nhiều đam mê. Khí hậu ở đây hoàn hảo để trồng hoa. Chúng tôi thấy trong tương lai, đây sẽ là một thị trường quan trọng”.

Để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, diễn đàn lần này chia sẻ tiềm năng về thị trường Châu Phi, Tây Nam Á và Thái Lan. Đối với thị trường Thái Lan, trong năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cùng với các doanh nghiệp, nhà phân phối bán lẻ, các mặt hàng rau hoa quả của Việt Nam đã được tiêu thụ rộng rãi ở Thái Lan.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan đạt gần 75 triệu đô la Mỹ, tăng mạnh đến hơn 66% so với năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu qua Thái Lan cho hay, dù là nước nông nghiệp tương đồng với Việt Nam nhưng người tiêu dùng Thái Lan, đặc biệt là giới trẻ thường có xu hướng thích trải nghiệm những sản phẩm của nước khác. Chính vì thế đã thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kể cho rau quả Việt Nam ở Thái Lan.

Theo nhận định của các chuyên gia, rau hoa quả Việt đã và đang tìm được chỗ đứng tại những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU nên việc chinh phục các thị trường Thái Lan, Châu Phi được cho là không quá khó. Với dân số 1,3 tỉ dân tại Châu Phi, đây là quốc gia có nhu cầu hàng tiêu dùng, nông sản, lương thực rất lớn. Dù nhu cầu nhập khẩu của thị trường này ngày càng tăng nhưng yêu cầu về các tiêu chuẩn hàng hóa cũng khá dễ tính so với các khu vực khác. 

Bình luận