Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan cho biết, mặc dù thời gian qua, các lực lượng chức năng gồm: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội Biên phòng…đã chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán cận kề, cùng với nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn.
Vì vậy, ngày 2/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã ký ban hành Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nêu thực trạng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả, cũng như những khó khăn, tồn tại của công tác chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng thời gian qua.
Một trong những gợi ý để gắn kết các lực lượng có chức quản lý nhà nước, cùng phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả và với cả doanh nghiệp, người tiêu dùng vào cuộc chống hàng lậu, hàng giả.
Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, kiểm soát tại các cửa khẩu, biên giới, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan chia sẻ kế hoạch hành động mà ngành Hải quan đã và sẽ triển khai trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu vi phạm sở hữu trí tuệ... Thông qua việc chia sẻ những vụ việc điển hình được cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua, ông Nguyễn Hùng Anh đưa ra các cảnh báo về những thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ.
Bên cạnh đó, những bất cập về chính sách cũng được cơ quan Hải quan chia sẻ. Thực tế thời gian qua, khi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì nhãn mác hàng hóa thể hiện “Made in China to Vietnam”…, tuy nhiên hành vi này của doanh nghiệp chưa được quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nên cơ quan Hải quan không thể xử phạt được vi phạm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Anh nêu những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa và khuyến nghị cho doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình cũng như bảo vệ uy tín cho hàng Việt Nam nói chung khi vào thị trường thế giới.
Tại thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng đang diễn ra hết sức phức tạp. Chia sẻ về thực trạng này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra nhiều thông tin liên quan đến thực trạng này cũng như kế hoạch kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường trong tình hình hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Lê cũng đưa ra các khuyến cáo đối với người tiêu dùng để tránh mua phải hàng gian, hàng giả, bảo vệ quyền lợi của mình.
Đặc biệt, thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử trên môi trường mạng nở rộ, bên cạnh những mặt tích cực, kinh doanh trực tuyến trên mạng cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành kênh buôn bán hàng lậu, hàng giả, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và thất thu thuế của nhà nước.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Lê cũng đưa ra những thông tin về các biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh trực tuyến và những hiệu quả đạt được trong thời gian qua.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ những thông tin về những thiệt hại mà các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã phải gánh chịu trong vấn nạn này.
Bà Hạnh cũng nêu những kiến nghị, đề xuất về quy định pháp luật, cũng như công tác chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ để bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng. Có tình trạng một số doanh nghiệp khi phát hiện sản phẩm hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng doanh nghiệp lại “ngại” không tố giác, hoặc thờ ơ hợp tác với các cơ quan chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, do lo ngại nếu “làm to chuyện” thì người tiêu dùng nghi ngờ hoặc quay lưng với hàng hóa của doanh nghiệp mình.