Theo ước tính của thị trường và dữ liệu của ngân hàng trung ương công bố hôm 12/7, Nhật Bản có thể đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách chi khoảng 3 nghìn tỷ yên (19 tỷ đô la) qua đêm, khiến đồng tiền Nhật Bản tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ.
Sự tăng đột ngột của đồng yên từ mức thấp nhất trong hơn 37 năm qua trong phiên giao dịch tại New York vào ngày 11/7 đã làm dấy lên khả năng các nhà chức trách Nhật Bản đã tiến hành một đợt mua đồng yên khác sau khi đã chi 9,79 nghìn tỷ yên can thiệp vào thị trường trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5.
Trước đó vào ngày 3/7, đồng yên tiếp tục rớt giá và lần đầu tiên rơi xuống mức 161,96 yên đổi 1 đô la Mỹ kể từ tháng 12/1986. Giá trị đồng yen so với đồng euro cũng thấp nhất lịch sử, với 174,48 yen đổi 1 euro.
Việc đồng yên rớt giá kỷ lục là kết quả của xu hướng đã bắt đầu từ vài năm qua. Lý do chủ yếu đến từ việc Mỹ liên tục tăng lãi suất trong giai đoạn hậu Covid-19 để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến giá trị của đồng đô la Mỹ tăng cao so với các đồng tiền khác.
Theo Japan Times, việc đồng yên mất giá có thể khiến giá trị hàng xuất khẩu của nước này giảm, từ đó làm tăng đáng kể lượng hàng xuất khẩu. Về lý thuyết, điều này có thể mang lại nguồn lợi lớn cho kinh tế Nhật vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa.
Đồng yên rẻ cũng giúp tăng giá trị các nguồn thu từ việc đầu tư nước ngoài. Không ít tập đoàn hàng đầu của Nhật như Sony, Honda, Toyota... có những khoản đầu tư hải ngoại khổng lồ.
Khi đồng yên giảm, khoản doanh thu ngoại tệ này khi về đến Nhật sẽ quy đổi được nhiều tiền hơn, do đó vô hình trung trở nên giá trị hơn.
Tuy nhiên, việc đồng yen mất giá quá nhanh cũng đang có dấu hiệu mang lại nhiều hệ lụy lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.
Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, do đó hầu hết khoáng sản thô, nhiên liệu và một phần lương thực, phân bón của nước này đều phải nhập khẩu. Việc tiền trong nước hạ giá khiến các khoản chi phí đầu vào trên tăng đáng kể...