Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã chìm trong suy thoái nghiêm trọng trong gần như cả năm 2020, khi đại dịch Covid-19 đã buộc Chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và chi tiêu của người dân khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản đang dần cho thấy dấu hiệu phục hồi - dù còn khiêm tốn, sau thời gian dài tăng trưởng âm.
Không chỉ Nhật Bản, các nước châu Á khác hiện cũng đang dẫn đầu thế giới về các cách thức nhằm phục hồi kinh tế, thường được gọi là “Zoom boom” - được gọi theo tên phần mềm họp trực tuyến Zoom khi nhu cầu về laptop, máy tính và các phương tiện điện tử phục vụ làm việc tại nhà và họp trực tuyến tăng mạnh; và các quốc gia châu Á hiện là những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về laptop, linh kiện, thiết bị truyền thông, điện thoại và nhiều sản phẩm điện tử khác.
Không chỉ vậy, 15 nước châu Á còn vừa ký kết với nhau Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định RCEP khi đi vào thực thi sẽ hình thành một khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với 32% tổng GDP toàn cầu, chiếm hơn 1/3 dân số thế giới. Khu vực mậu dịch tự do này được cho là lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Mỹ, Mexico và Canada. RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể phục hồi trong kỷ nguyên Covid-19.
Trở lại Nhật Bản, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đã giúp kinh tế nước này có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. GDP trong quý III/2020 đạt mức tăng trưởng 5% so với quý trước đó.
Sự thay đổi này còn được xem là mức cao nhất từng được ghi nhận đối với tăng trưởng kinh tế theo quý ở Nhật Bản. Nếu nước này duy trì được tốc độ tăng trưởng như trên, thì trong vòng 12 tháng sẽ đạt mức tăng trưởng có thể lên đến 21,4%.
Bên cạnh đó, dấu hiệu phục hồi đối với nền kinh tế còn là tin tức tốt, đáng hoan nghênh và là sự cổ vũ đối với chính phủ Nhật Bản, khi nước này vốn không áp dụng các biện pháp phong tỏa quá cứng nhắc như một số quốc gia khác.
Vào đầu năm nay, Nhật Bản đã ra thông báo về hai gói ngân sách kích thích kinh tế, tổng giá trị đạt 2,2 ngàn tỷ USD, bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình và các khoản vay của doanh nghiệp.
Ông Yoshihide Suga - Tổng thống Nhật Bản vừa đảm nhiệm chức vụ vào tháng 9, cũng từng thông báo đến nội các của mình rằng sắp tới sẽ còn một gói ngân sách hỗ trợ khác để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, dù ghi nhận sự tăng trưởng rõ nét trong quý III/2020, kinh tế Nhật Bản theo thống kê nhìn chung vẫn suy thoái 5,6% trong năm tài chính mới nhất - sẽ kết thúc vào tháng 3/2021.