Chờ...

Nhiều bất hợp lý trong quy trình kiểm tra, kiểm soát thực phẩm dinh dưỡng

(VOH) - Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp Dự án GIG của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ tổ chức sáng 11/6 tại TPHCM.

Một trong những điểm bất hợp lý trong quy định, thông tư 24, 25 và trong nghị định 15 liên quan đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát thực phẩm dinh dưỡng được các doanh nghiệp nêu tại hội thảo “Thực hiện nghị quyết 19 của Chính phủ: cải cách quy định và thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp Dự án GIG của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ tổ chức sáng 11/6 tại TPHCM.

Ông Vũ Quốc Tuấn – đại diện Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng đề cập đến thủ tục kiểm tra, kiểm dịch động vật đối với những sản phẩm có chứa sữa và có thành phần từ sữa. Theo ông Tuấn, quy định của thông tư 25 năm 2016 và thông tư 24 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì các sản phẩm từ sữa đều phải qua kiểm dịch động vật. Trong khi đó, Tổ chức Thú y Thế giới và Ủy ban Thực phẩm quốc tế Codex đều nhận định, chỉ kiểm tra sản phẩm sữa dưới dạng sữa tươi hoặc qua sơ chế. Trong nghị quyết 19 cũng có quy định về vấn đề này và thể hiện trong thông tư 24 và 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do đó, ông mong cơ quan này khắc phục kịp thời vấn đề này.

Đối với muối I-ốt, ông Tuấn cho rằng, việc bổ sung muối I-ốt vào thực phẩm là chủ trương đúng, nhưng bắt buộc sử dụng muối I-ốt trong tất cả các quy trình chế biến thực phẩm thì cần phải xem lại. Một số nước hiện nay quy định không sử dụng muối I ốt trong chế biến thực phẩm như Nhật, Australia… Do đó, ông Tuấn kiến nghị cần xem lại quy định, quy trình bổ sung I ốt vào thực phẩm chế biến.

"Áp dụng một cách có chọn lọc, có tính đến quy trình sản xuất của doanh nghiệp đối với việc sử dụng muối I ốt. Mong muốn ngành y tế có biện pháp tuyên truyền giáo dục để người dân có thể sử dụng đúng muối I ốt trong quá trình chế biến thực phẩm”, ông Tuấn đề xuất.

Doanh nghiệp nêu một số bất hợp lý trong quy định quy trình kiểm tra, kiểm soát thực phẩm dinh dưỡng

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc cũng cho rằng, vấn đề I ốt này liên quan rất nhiều trong chế biến và quản lý, do đó quy định này cần phải được xem lại. Đồng thời cho biết một số điểm bất hợp lý hiện nay trong nghị định 15: quy định doanh nghiệp phải tự kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm, thì họ lờ chất lượng đi, thì doanh nghiệp không cần kiểm, thậm chí công bố nhưng không cần kiểm. Chính vì lờ chất lượng nên doanh nghiệp chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm, an toàn chỉ có mấy chỉ tiêu như nồng độ, kim loại nặng, vi sinh… Những chỉ tiêu như độ đạm, các chất vitamin.., Nghị định 15 quy định như vậy. Tôi nghĩ an toàn phải đi kèm với chất lượng, an toàn sức khỏe cho con người nhưng chất lượng liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe của giống nòi.

Về vấn đề này ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án GIG của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ cũng nhìn nhận: Điều 24 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định, người sản xuất thông báo sản phẩm của mình, tức là công bố hợp quy và hợp chuẩn, điều 24 chỉ ghi đúng 1 người chỉ là người sản xuất. Như vậy, nếu đặt hai điều này lên liền nhau chúng ta có thể hiểu theo như tinh thần của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa thì người có trách nhiệm công bố hợp quy là người sản xuất chứ không phải là ngưới nhập khẩu điều này rất quan trọng. Hiện nay, nếu người sản xuất công bố thì hàng loạt người xuất khẩu ở VN nhập khẩu rất nhiều lần chứ không phải công bố lại nữa. Hiện theo cách của chúng ta hiện nay là người nhập khẩu công bố, áp dụng theo phương pháp 7, do đó, các lô hàng đều phải kiểm tra, nếu giải đáp một cách thỏa đáng theo đúng tinh thần thì giảm được 60-70% trường hợp công bố hợp quy hiện nay đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa.