Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi thực thi cơ chế định giá các-bon

(VOH)- “Việc chọn công cụ định giá các-bon phù hợp với điều kiện phát triển của mỗi quốc gia là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng”.

Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Vai trò của định giá các-bon, các công cụ dựa vào thị trường, tiềm năng đóng góp trong việc thực hiện NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) và khả năng áp dụng ở Việt Nam”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức vào  ngày 15/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

 định giá các-bon

Toàn cảnh hội thảo

Các báo cáo trình bày tại hội thảo của đại diện một số Hiệp hội công nghiệp lớn, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đào tạo về kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ cho thấy, định giá các-bon có vai trò quan trọng trong kiểm soát các chi phí ngoại biên của phát thải khí nhà kính.

Theo đó, Chính phủ không phải sử dụng các công cụ áp đặt mà cung cấp một cơ chế thị trường để các cơ sở phát thải thực hiện và cho phép họ quyết định chuyển đổi hoạt động và giảm lượng phát thải, hoặc tiếp tục phát thải và trả tiền cho lượng thải đã thải ra.

Do vậy, bên cạnh mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá các-bon còn góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư cho phát triển sạch cũng như huy động các khoản đầu tư tài chính cần thiết để khuyến khích đổi mới công nghệ, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế các-bon thấp. 

Ông Bùi Việt Phương, kỹ sư môi trường, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, thuộc Công ty xăng dầu Khu vực 2 chia sẻ: “Tôi thấy khung tín chỉ lại rất hay. Chúng ta có thể trao đổi, mua bán những hoạch định, những tín chỉ về giảm thiểu nhà kính và chúng ta có thể kích thích doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, cải tiến công nghệ để từ đó giảm thiểu khí nhà kính và tạo ra xu hướng cạnh tranh hơn”.

Tuy nhiên, các đại biểu thống nhất cho rằng định giá các-bon đòi hỏi một cơ sở dữ liệu đầy đủ về phát thải khí nhà kính và các vấn đề liên quan khác như tính minh bạch, chính xác của số liệu sản xuất, kinh doanh... Đồng thời cần có sự đánh giá toàn diện các khía cạnh về tác động kinh tế-xã hội cũng như sự đồng thuận của các bên liên quan.

Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công thương cho rằng khi doanh nghiệp có những định hướng thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và thực thi cơ chế định giá các-bon sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho chính bản thân doanh nghiệp: “Hình ảnh của doanh nghiệp đối với thị trường quốc tế hay thị trường xuất khẩu hàng hóa sẽ được nâng cao. Về lâu dài, khi cơ chế định giá các-bon sôi động và có mức giá cao thì nỗ lực đó của doanh nghiệp, sẽ đem lại lợi ích về kinh tế. Khi đó, tín chỉ về giảm phát thải mà họ tạo ra được sẽ bán cho các doanh nghiệp khác. Những doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn hơn, hiệu quả kém hơn thì họ sẽ mua lại những tín chỉ đó để đạt các chỉ tiêu theo quy định của pháp luật. Như vậy sẽ đem lại lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường”.

 định giá các-bon

Tiến sĩ Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thông tin tại hội thảo

Để hình thành và phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam, một số nội dung ưu tiên cần tiếp tục được triển khai đồng bộ như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia, ngành, tiểu ngành và cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó phải xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành, tiểu ngành; đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế-xã hội và môi trường khi áp dụng các công cụ định giá các-bon, như thuế các-bon, hệ thống giao dịch phát thải, cơ chế tạo tín chỉ…, từ đó lựa chọn công cụ định giá các-bon phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Tiến sĩ Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ:Tôi cho rằng đây là vấn đề rất mới, vì vấn đề mới nên có rất nhiều câu hỏi hóc búa và chúng tôi đã nhận được những câu hỏi rất thiết thực đối với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, với cơ sở nghiên cứu…Để xây dựng được thị trường các-bon Việt Nam thì chúng ta cần phải làm gì, từ chính sách, công nghệ, các giải pháp kỹ thuật và vấn đề thứ hai là lựa chọn công cụ định giá các-bon nào phù hợp cho Việt Nam. 5 Bộ cũng đang cùng với Wordbank Việt Nam tiếp tục tìm tòi. Mong muốn của chúng tôi là trong giai đoạn 2021 – 2025 là phải xác định được công cụ định giá các-bon Việt Nam”.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các hiệp hội công nghiệp lớn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về công cụ định giá các-bon. Đây là công cụ kiểm soát các chi phí ngoại biên nhằm thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.