Ông Nguyễn Ngọc Nam được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam

(VOH) - Sáng 6/3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức Đại hội báo cáo công tác nhiệm kỳ VII và bầu Ban chấp hành, Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ VIII, 2018 – 2023.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo từ năm 2011 giảm, đến 2017 có chiều hướng tăng trở lại. Từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ số giá gạo tăng hơn 18%, gạo hạt dài chất lượng cao tăng gần 16%, gạo hạt dài cấp thấp tăng hơn 11%, gạo thơm tăng hơn 29% và gạo japonica tăng gần 19%. Giá lúa khô hạt dài bình quân tại kho bình quân trên 5.700 đồng/kg, lúa thường gần 5.500 đồng/kg, giá thành lúa từ 3.700 đồng đến gần 4.000 đồng/kg.

Giai đoạn 2011-2017, có hơn 43.000 hợp đồng xuất khẩu, với gần 47 triệu tấn gạo các loại. Riêng hợp đồng tập trung trên 12 triệu tấn cho các thị trường Indonesia, Philippines, Malaysia, Cuba, Bangladesh, Iraq và Guinea.

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu gần 5,8 triệu tấn gạo, giá trị trên 2,5 tỷ đô la Mỹ. Thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu châu Á chiếm 70%, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 35%. Châu Phi chiếm hơn 28% (vị trí thứ hai). Châu Mỹ khoảng 7% và châu Đại Dương khoảng 5%.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo năm 2017 và quý I năm 2018 đã có những tăng trưởng về số lượng và giá trị như công ty Lương thực Tiền Giang, Thịnh Phát Bến Tre, Grenco... Riêng Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng hơn 105%, giá trị khoảng 70 triệu đô la Mỹ.

Một trong những đơn vị đã và đang thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giúp doanh nghiệp có nguyên liệu ổn định và nông dân lãi 100%, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết mô hình liên kết phục vụ cho xuất khẩu bền vững, công ty là một trong những công ty tiên phong. Chính đi tiên phong trong mô hình này nên xuất khẩu của công ty chúng tôi rất ổn định. Và đặc biệt giá trị và sản lượng ngày một tăng cao.

Phát biểu ghi nhận về hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhiệm kỳ VII, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Thanh Nam đánh giá: Hiệp hội Lương thực đã hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình trong việc tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để mà định hướng cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đồng thời cũng góp phần nâng cao giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, cũng đã tạo điều kiện đảm bảo cho sản xuất lượng thực của Việt Nam được ổn định và phát triển bền vững.

Định hướng hoạt động nhiệm kỳ VIII, Hiệp hội tham gia góp ý sửa Nghị định 109 về thông thoáng cho xuất khẩu gạo, sửa đổi điều lệ hiệp hội, tham gia chống ép giá, phá giá, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, xúc tiến thương mại, tham gia xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam...

Ông Nguyễn Ngọc Nam

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) được bầu làm Chủ tịch VFA, thay cho ông Huỳnh Thế Năng đã nghỉ hưu. Ảnh: SGGP

Hiệp hội Lương thực Việt Nam hiện có 132 hội viên. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam được bầu là Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhiệm kỳ VIII.

Bình luận