Mới đây, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thông báo sẽ cắt giảm đáng kể sản lượng để tăng giá dầu. Quyết định của OPEC+ được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý với kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga.
OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng lớn hơn mức Nhà Trắng đã lo ngại - 2 triệu thùng mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 11, với lý do việc cắt giảm là cần thiết "trong bối cảnh sự không chắc chắn đang bao phủ triển vọng kinh tế và thị trường dầu mỏ toàn cầu".
Trao đổi với VOH, chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong đánh giá, động thái thắt chặt nguồn cung của OPEC+ và tăng giá đồng USD sẽ có tác động đi ngược chiều nhau đối với mặt hàng xăng dầu trên thế giới.
"Việc giảm sản lượng của OPEC+ sẽ làm giảm nguồn cung trên thế giới, đi cùng với đó là chính sách cấm vận dầu mỏ của Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và một số quốc gia khác đối với Nga thì chắc chắc trong thời gian tới nguồn cung lại tiếp tục xu hướng giảm, đặc biệt là nguồn cung từ các nước xuất khẩu chính trên thế giới như Nga, Opec... Điều đó, sẽ làm cân đối cung cầu (trong giả định cầu không thay đổi) có sự chênh lệch, theo hướng cầu cao hơn cung và vì thế giá xăng dầu dự báo sẽ lên. Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất và tăng giá đồng Đô la Mỹ thời gian qua lại sẽ khiến giá dầu sẽ giảm", ông Phong phân tích.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cũng dự báo giá xăng dầu thời gian tới chịu nhiều sức ép cả lên và cả xuống, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng suy thoái hoặc chậm lại gắn với nhiều yếu tố khác. "Nhìn chung, giá xăng dầu khó lên. Đặc biệt là khó tăng với biên độ lớn như hồi đầu năm. Nếu có tăng sẽ lên với tốc độ vừa phải, cân bằng... trên dưới 1 vài phần trăm, chứ không tăng mạnh vài chục phần trăm như trước đây"
Xem thêm: OPEC+ nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ bất chấp Mỹ phản đối
Thách thức khi đồng USD liên tục tăng giá
Với những biến động trên thế giới như hiện nay, các chuyên giadự báo sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam theo cả hai hướng, một mặt là giúp kinh tế tăng trưởng, mặt khác là khiến lạm phát cũng có xu hướng tăng.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong phân tích, trong trường hợp giá xăng dầu giảm hoặc lên chậm sẽ giúp nền kinh tế có động lực phát triển. Còn trường hợp đồng Đô la Mỹ tiếp tục lên giá sẽ gây áp lực lên kinh tế Việt Nam. Cụ thể, sẽ làm giảm dòng cung vốn đồng Đô la Mỹ từ các nước phát triển và đang phát triển vào Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam là 0%.
"Dòng tiền ngoại hối, kể cả đầu tư, chảy về trong nước dự báo sẽ giảm so với các quốc gia khác. Nguy cơ bị siết chặt dòng vốn đầu tư hoặc tiếp cận với dòng vốn đầu tư nước ngoài với chi phi đắt hơn sẽ là hiện hữu trong thời gian tới. Ngoài ra, với sự tăng giá của đồng Đô la Mỹ thì Việt Nam có thể phải nới tỷ giá, điều đó có ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát và những tác động tiêu cực nhất định với nền kinh tế", ông Phong nhận định.