Chờ...

Phát triển bất động sản công nghiệp phải gắn với yếu tố môi trường

(VOH) - Bất động sản công nghiệp đang trở thành phân khúc hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, đây là nhận định được chia sẻ trong diễn đàn “Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020”.

Theo công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE Việt Nam), từ khi nước ta mở cửa kinh tế thì chủ yếu tập trung vào các nguồn chủ lực là đất cho thuê, nhưng nguồn cung đất công nghiệp trong quý 3/2020 lại bị hạn chế. Cụ thể, tại một số tỉnh thành phía Bắc như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… nguồn cung đất công nghiệp cho thuê chỉ xấp xỉ khoảng 9.600 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 79%. Còn tại một số tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Long An, nguồn cung đất công nghiệp cũng chỉ giao động khoảng gần 24.000 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 76,7%. Tuy nhiên, trái ngược với nguồn cung của đất công nghiệp thì nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn trong quý 3/2020 lại có chiều hướng tăng trưởng.

Diễn đàn BĐS công nghiệp năm 2020 thu hút hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế.

Diễn đàn BĐS công nghiệp năm 2020 thu hút hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế

Số liệu từ Bộ Kế hoạch đầu tư, hiện cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 97.000 ha với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistic…đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ đã thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động. Hiệu quả đầu tiên có thể thấy là tại các khu công nghiệp này, các doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động công nghiệp. Động thái này cũng phù hợp với yêu cầu khắc khe của các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong việc lựa chọn địa điểm sản xuất mới.

Về việc chọn lọc các chủ đầu tư đang và sẽ đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Đối với Khu công nghiệp cụ thể thì phải phù hợp với quy hoạch của khu vực. Đã có không ít địa phương từ chối đầu tư dự án vì có tác động tới môi trường. Trong thời gian tới, có một số Luật cũng yêu cầu các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần phải thẩm định kỹ càng. Các địa phương, chính phủ cũng đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường…”.

Còn theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam, lý giải, những quy chuẩn về môi trường tại Việt Nam hiện nay đang thấp hơn nhiều so với các nước khác. Đồng thời, với tác động của cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc, các doanh nghiệp dịch chuyển sang thị trường Việt Nam để được hưởng lợi về thuế và ưu đãi khác. Đây vừa là cơ hội cho bất động sản công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung nhưng cũng vừa là thách thức, đặc biệt đối với lĩnh vực môi trường. “Ở các tỉnh phía Bắc hoặc phía Nam, khi phê duyệt các dự án đầu tư đã xem xét kỹ hơn về tác động môi trường. Chính phủ hiện nay đã xem xét nhiều yếu tố tác động tới môi trường trước khi doanh nghiệp đi vào hoạt động”, ông Lê Trọng Hiếu thông tin.

CBRE Việt Nam cũng cho rằng, các nhà đầu tư có tham gia vào thị trường Việt Nam trong những năm tới hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: là giá BĐS công nghiệp và tình hình chính trị trong cuộc bầu cử của Mỹ tới đây. Tuy nhiên có thể nhận thấy giá BĐS công nghiệp đang trên đà tăng trưởng. CBRE cũng đề xuất các chủ đầu tư nên giữ mức giá ổn định để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa.

Là một trong những chủ đầu tư đang sở hữu Khu công nghiệp Phước Đông, tại Long An, ông Phạm Ngọc Tùng, Phó Tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty IMG, chia sẻ rằng ngoài tập trung vào vị trí, các chủ đầu tư cần tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để khi các nhà đầu tư đến họ sẽ cảm thấy yên tâm. Và vấn đề khác, rất cần được sự hỗ trợ từ Chính phủ về yếu tố pháp lý. Ông Phạm Ngọc Tùng, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và tiếp thị công ty IMG nói: “Cần tạo ra cơ chế thông thoáng, đơn giản hơn nên khi các nhà đầu tư đến thì rất dễ dàng và thuận lợi. Bản thân các nhà đầu tư cũng nên có những tiêu chí như quản trị, nhân sự, quy trình chăm sóc khách hàng tốt. Thêm nữa là cần tạo ra cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Vấn đề thứ 3 là pháp lý, để làm được điều này cần sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương. Những yếu tố trên đã tạo ra giá trị cộng hưởng rất lớn, theo đó cũng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư”.

Với sự kỳ vọng đại dịch COVID-19 có thể sớm được kiểm soát tốt tại Việt Nam và trên thế giới để từ đó, nền kinh tế sẽ phục hồi và phát triển. Nhiều chuyên gia kỳ vọng GDP của cả nước trong năm 2021 sẽ tăng 6%. Còn tác động của COVID-19 là một ảnh hưởng lâu dài, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến tin cậy. Một ví dụ điển hình là ngay sau khi nhận chức, Thủ tướng Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam là nước sang thăm đầu tiên. Đây là những lợi thế cho nền kinh tế nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.