Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu.
Dù vậy, phải thừa nhận một thực tế là ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra.
Có nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn bất cập.
Các vấn đề trên được các đại biểu đưa ra phân tích và cùng tìm kiếm giải pháp tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra sáng nay 10/04.
Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới rất quan trọng đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và hành động với quyết tâm cao. Đảng đã đề ra định hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo, đồng thời nhất quán xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược.
Vì vậy, ông Trần Tuấn Anh khẳng định: “Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc chúng ta có hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, rõ ràng Việt Nam cần phải có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới”.
Báo cáo về thực trạng đào tạo trong lĩnh vực vật liệu ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm số lượng sinh viên đầu vào của ngành công nghiệp vật liệu khoảng 800 sinh viên, thạc sĩ khoảng 25 – 40 học viên và chương trình tiến sĩ là 8 – 10 nghiên cứu sinh.
Như vậy, so với nhu cầu nguồn nhân lực về ngành công nghiệp vật liệu ở khu vực phía Nam thì quy mô đào tạo hiện nay ở các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn khá ít do có sự cạnh tranh rất mạnh của các nhóm ngành như Công nghệ thông tin, Điện tử….. khó trong tuyển sinh đầu vào.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, giải pháp hướng tới là hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho người tốt nghiệp lĩnh vực này:
“Quan trọng nhất là phải có việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chỉ có cơ hội việc làm tốt thì mới có thể thu hút sinh viên giỏi nhất tham gia vào ngành Khoa học vật liệu.
Để khắc phục vấn đề này, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định hợp tác với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Thứ nhất là lấy được yêu cầu của doanh nghiệp, hai là tận dụng được các kinh nghiệm, thiết bị của doanh nghiệp đó để nâng chất chương trình đào tạo, quan trọng nhất là sinh viên ra trường có việc làm”.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nhân lực – nhất là nhân lực trình độ cao - có vai trò quyết định đối với sự phát triển của công nghệ và công nghiệp vật liệu.
Bộ Khoa học Công nghệ cùng Bộ Giáo dục Đào tạo đang phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động khoa học công nghệ trong các trường đại học trong đó có cơ chế, chính sách công nhận và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh trong đại học.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng: “Với nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu ngày càng cao như hiện nay ở Việt Nam, chúng ta không chỉ tập trung đào tạo, bồi dưỡng mà rất cần các cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí là các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ vật liệu của Việt Nam.
Đây là nguồn cung nhân lực lớn, chất lượng cao mà chúng ta cần lưu tâm để đẩy mạnh việc thu hút trong thời gian tới”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ về tình hình phát triển công nghiệp và ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam; thực trạng nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu; nhận diện bối cảnh, xu thế và tư duy, cách tiếp cận mới trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045; xu thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới và những vấn đề đặt ra đối với ngành công nghiệp vật liệu nói riêng; kinh nghiệm quốc tế và phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu; đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn cho phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.