Chờ...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ủy ban 1899

(VOH) - Tính đến hết tháng 8/2020, đã có 200 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được kết nối, tăng 12 thủ tục so với năm 2019, với trên 3,2 triệu hồ sơ và trên 40.000 doanh nghiệp.

Ngày 22/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) chủ trì phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả tích cực, với tinh thần tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, nhất là hàng hóa nông sản.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ủy ban 1899
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ủy ban 1899. Ảnh: VGP

Tính đến hết tháng 8/2020, đã có 200 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được kết nối, tăng 12 thủ tục so với năm 2019, với trên 3,2 triệu hồ sơ và trên 40.000 doanh nghiệp.

Ngoài ra, các bộ, ngành đã xây dựng mới và đã hoàn thành kiểm tra kết nối, đang chuẩn bị triển khai chính thức 14 thủ tục hành chính mới của Bộ Công Thương (6 thủ tục), Bộ Quốc phòng (6 thủ tục), Bộ Y tế (2 thủ tục); xây dựng mới và đang trong quá trình kiểm thử đối với 9 thủ tục hành chính mới của Bộ Y tế.

Với cơ chế ASW, Việt Nam cũng đã kết nối thêm với 5 nước ASEAN gồm: Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines, nâng tổng số thành viên đã kết nối lên 9 nước. Tổng số chứng nhận xuất xứ (C/O) tiếp nhận từ các nước ASEAN đạt trên 179.000 trong khi tổng số C/O gửi sang các nước ASEAN là trên 263.000.

Việt Nam cũng đàm phán để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á-Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc và New Zealand.

Công tác kiểm tra chuyên ngành tiếp tục đạt được kết quả tích cực, trong đó tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan giảm từ 33% xuống còn 19%.

Các bộ, ngành cũng đã tập trung rà soát, loại bỏ chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong rà soát, xây dựng văn bản pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành; điện tử hóa thủ tục kiểm tra; đổi mới công tác kiểm tra; rà soát các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành…

Bộ Tài chính đã hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, tập trung vào những nội dung: Đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng…

  Đồng thời, mở rộng đối tượng miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, bảo đảm vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ pháp luật.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao còn lại.

Bộ Tài chính xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế ASW và NSW để bảo đảm thực hiện thủ tục hành chính cấp độ 4; thiết lập cơ chế và đẩy nhanh chia sẻ dữ liệu điện tử nhằm tối ưu hóa việc sử dụng cơ chế NSW theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục.

Bố trí đội ngũ nhân lực phù hợp để phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong quá trình kết nối và vận hành thủ tục điện tử; kịp thời giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Tiếp tục ban hành danh mục hàng hóa kèm mã HS, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với những mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành.