Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự hội nghị về nhiệm vụ tài chính, ngân sách

(VOH) - Ngày 12/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội nghị trực tuyến của ngành tài chính sơ kết việc triển khai nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 6 tháng đầu năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá qua nửa chặng đường kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, NSNN của năm 2019, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng đạt mức khá, 6,76%, kiểm soát được lạm phát.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Đóng góp vào kết quả chung của cả nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới vai trò của ngành tài chính khi có nhiều chương trình, kế hoạch hành động bám sát các Nghị quyết số 01, 02/NQ-CP của Chính phủ để khơi thông các động lực tăng trưởng kinh tế, giúp kết quả điều hành chính sách tài khoá đạt nhiều kết quả khá toàn diện.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá Bộ Tài chính - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ nhiều năm liền làm tốt chức năng điều phối, kiểm soát lạm phát; chính sách tài khoá phối hợp khá hài hoà, chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đạt được nhiều thành công trong tinh gọn bộ máy, biên chế, tiết giảm chi phí nhưng hiệu lực, hiệu quả cao hơn;...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thu NSNN gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm khi thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, ngoài quốc doanh có xu hướng thấp hơn. Một số địa phương thu trọng điểm thu ngân sách vừa qua đạt thấp như TPHCM, Đồng Nai...

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn ODA chậm, mới đạt 32,4% dự toán, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế mà chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ.

Cổ phần hoá còn chậm vì vướng mắc thể chế, tổ chức thực hiện và cách hiểu khác nhau về các Nghị định số 126, 132, 167 của Chính phủ; vướng nhất là sắp xếp nhà đất và xử lý tồn đọng về tài chính của doanh nghiệp Nhà nước. Cho rằng đây là trách nhiệm chính của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần nhanh chóng hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Bộ cần nhanh chóng bãi bỏ hoặc bổ sung các văn bản hướng dẫn còn chưa rõ ràng, đang gây khó cho doanh nghiệp như văn bản hướng dẫn cấp C/O của xăng dầu, văn bản khống chế lãi vay của các doanh nghiệp liên kết theo Nghị định số 20 của Chính phủ và sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư.

“Mặc dù còn nhiều trở ngại trong hoàn thiện pháp luật và nhiệm vụ thu chi ngân sách, nhưng Bộ Tài chính phải tiếp tục chủ động tháo gỡ. Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ rất rõ, Chính phủ chỉ ‘bàn tiến’ chứ không ‘bàn lùi’, kiên định mục tiêu tăng trưởng, thu chi ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác. Không để cho địa phương nào thu giảm và tổng thu ngân sách phải tăng 5%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính trong dài hạn, rà soát lại tỷ lệ động viên thu ngân sách theo các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị theo hướng tăng tỷ lệ điều tiết ở một số lĩnh vực như thuế tiêu thụ đặc biệt để vừa bảo đảm sản xuất, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, có lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT.

“Tinh thần thu ngân sách chặt chẽ và thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để thu, chứ không chỉ đơn giản là thu thuế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh vào cuối năm 2019; phát triển thu thuế điện tử theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công và ODA, bảo đảm bội chi NSNN trong giới hạn Quốc hội cho phép, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư; tăng cường ổn định giá cả, dự báo cung-cầu theo mục tiêu điều hành lạm phát từ 3,3-3,9%.

Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát hàng hoá tạm nhập tái xuất khi hoạt động này đang có dấu hiệu tăng lên trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khác.

Bình luận