Phục hồi kinh tế TPHCM : Tăng cường năng lực sáng tạo và thúc đẩy nhanh chính sách hỗ trợ

(VOH) - Những chỉ số về kinh tế của TPHCM thấp kỉ lục chưa từng có, cho thấy tình hình kinh tế Thành phố đang rất khó khăn.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) 9 tháng năm 2021 của nước ta chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Phục hồi kinh tế TPHCM - Góc nhìn từ đại biểu Quốc hội 
 Những chỉ số về kinh tế của TPHCM thấp kỉ lục chưa từng có, cho thấy tình hình kinh tế Thành phố đang rất khó khăn.

Trong đó chỉ số Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2021 của TPHCM âm 4,98%. Đây là con số thấp kỉ lục chưa từng có, cho thấy tình hình kinh tế Thành phố đang rất khó khăn.

Trước thực tế này, các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để kinh tế Thành phố sớm phục hồi.

TPHCM giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, đóng góp 22% GDP của cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách của cả nước. Do đó, nếu kinh tế TPHCM tiếp tục khó khăn trong những tháng còn lại của năm 2021 thì cả nước cũng sẽ khó khăn.

Chính vì vậy, rất nhiều chuyên gia, các đại biểu Quốc hội đều có chung đề xuất Chính phủ, các bộ ngành phải khẩn trương đưa ra những giải pháp, các chương trình hỗ trợ kịp thời, phù hợp cho sự phục hồi kinh tế của Thành phố có tính đến yếu tố đặc thù.

Trong đó, đặc biệt là các chính sách tài khóa, các gói hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại sau thời gian dài.

Theo phân tích của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, thì hiện nay mức lãi suất mà các ngân hàng đang áp dụng còn khá cao, sẽ không giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp, chưa kể đến điều kiện để tiếp cận không phải là dễ dàng:

“Mong Chính phủ dành nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến 10 ngàn tỷ đồng, nhưng tôi nghĩ phải tăng lên từ 20 ngàn tỉ. Chúng ta sẽ hỗ trợ được dư nợ khoảng 1 triệu tỷ. Chúng ta sẽ xây dựng danh mục hỗ trợ sát với thực tế, vì có những doanh nghiệp vẫn có lãi và được giảm thuế thu nhập", ông Trần Hoàng Ngân nói

Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn những thiệt hại về kinh tế, về con người, về thể chất, tinh thần do đợt dịch Covid 19 lần thứ 4 gây ra cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung là rất nặng nề, thậm chí là nặng nề nhất sau hơn 35 năm đổi mới. Khó khăn rất nhiều, tổn thất rất lớn, nhưng theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM thì Thành phố hoàn toàn có niềm tin sớm phục hồi nếu tập trung làm tốt 3 vấn đề trong thời gian ngắn hạn.

“Có phương án kiểm soát lây nhiễm để không còn dịch mà chỉ có lây nhiễm trong bình thường mới. Có chính sách hỗ trợ người nhiễm, gia đình người mất do Covid 19. Thu hút lại lao động, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp phục hồi”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Để có thể đưa ra những giải pháp trên, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đã nghiên cứu khá kĩ cách làm của nhiều nước trên thế giới sau làn sóng Covid 19 năm 2020. Theo đó, những thiệt hại do Covid-19 mang lại chính là kinh tế, sức khỏe, tính mạng người dân.

Trong khi các cơ sở hạ tầng, nền tảng khoa học kĩ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống đường giao thông, các nhà xưởng, nhà máy… tất cả đều không ảnh hưởng.

Do đó, khi xác định được những mất mát, ảnh hưởng ở lĩnh vực nào thì nhà nước phải có chính sách bù đắp, khắc phục ngay lĩnh vực đó để vượt qua giai đoạn khó khăn. Trên thực tế, có trên 40% doanh nghiệp TPHCM đang mất khả năng thanh khoản, không còn chi phí để phục hồi và nếu chỉ cần kéo dài thêm từ 1 đến 2 tháng nữa thì tình hình sẽ càng khó khăn hơn. Số thiệt hại chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với các gói hỗ trợ lãi suất từ các ngân hàng:

“Nếu mình hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp rất đỡ. Nếu chúng ta hỗ trợ cho 40% doanh nghiệp hiện nay vay không lãi suất thì cần khoảng 37 ngàn tỉ. Họ vay được thì khả năng phục hồi cao, ngược lại thì giá trị tài sản mất đi sẽ lớn hơn nhiều”, ông Nhân cho biết thêm.

Việc hỗ trợ tính thanh khoản, nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tình hình hiện nay không chỉ mang tính sống còn đối với hàng chục ngàn doanh nghiệp, mà còn góp phần ổn định đời sống cho khoảng 4 triệu lao động của Thành phố.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, thì người lao động là đối tượng rất dễ tổn thương, do nhiều tháng qua không có thu nhập. Thời gian tới, nếu như không có việc làm ổn định sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy cho xã hội.

“Doanh nghiệp không gượng dậy được, người lao động mất việc thì việc giải quyết hậu quả xã hội là rất lớn. Chính phủ có hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mới giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội. Nếu không thì năm 2022 chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động”, bà Thúy dự báo.

TPHCM đã nỗ lực rất nhiều để triển khai 3 gói hỗ trợ cho người khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid 19 thời gian qua. Tuy nhiên về lâu dài đây không phải là giải pháp căn cơ, thêm vào đó nguồn ngân sách cũng không thể chi nổi.

Thay vào đó, Chính phủ nên yêu cầu Ngân hàng nhà nước có một chương trình cho người khó khăn ảnh hưởng bởi Covid-19 vay không lãi suất, hay lãi suất thấp với 1 số tiền nhất định để họ có thể trang trải cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới hiện nay. Sau đó, họ tiếp tục làm việc và trả dần cho các ngân hàng.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, cùng với các chính sách cụ thể trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi kinh tế thì việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với những công trình trọng điểm cần phải được tập trung và cần có sự điều chỉnh sử dụng vốn linh hoạt:

“Vào cuối năm, nguồn lực thu hút xã hội cuối năm không nhiều, trong khi đầu tư công chúng ta đang nắm trong tay thì phải đẩy nhanh để tạo tính lan toả. Nên linh hoạt điều chuyển vốn đầu tư, cắt giảm những dự án chưa triển khai, chậm, chưa cần thiết”, ông Trần Anh Tuấn đề nghị.

Đề cập đến giải pháp phục hồi kinh tế cho Thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để xác định, đánh giá, giám sát, giảm thiểu tác động của Covid-19, từ đó hình thành nhóm vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.

Điều quan trọng nữa là TPHCM cần tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế chủ yếu được thông suốt đó là lưu thông hàng hóa, di chuyển con người, dịch vụ tài chính tín dụng, nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa.

Cùng với những giải pháp ngắn hạn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TPHCM phải có chiến lược phát triển bền vững hơn.

“TPHCM thu hút các ngành kinh tế có giá trị cao hơn. Kinh tế sáng tạo là mô hình nhiều nước phát triển đang hướng đến. Tôi đề nghị TPHCM tăng cường năng lực sáng tạo, nếu không đi theo hướng này khó duy trì được đầu tàu kinh tế trong nước và không đuổi kịp các nước”, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Trong bối cảnh khó khăn, các ý kiến cũng cho rằng TPHCM phải nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị của chính quyền các cấp thông qua mô hình chính quyền đô thị.

Ngoài ra, TPHCM cần tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Từ đó, đề nghị một Nghị quyết mới, mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho TPHCM, nhất là các lĩnh vực: quy hoạch, tài chính ngân sách, đất đai môi trường để tạo ra một dư địa phát triển bền vững hơn, đủ sức chống chọi lại với diễn biến bất thường nếu có trong tương lai.