Sông Tiền mùa nước nổi
Mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11, đến miền Tây mùa này bạn sẽ thấy nước ngập trắng cả đồng ruộng, đâu đâu cũng thấy nước, nhưng nó có sức hấp dẫn đến kỳ lạ vì bạn được chiêm ngưỡng, trải nghiệm những nét văn hóa hào sảng, chất phác và thưởng thức những món ngon dân dã mùa nước nổi và trái cây phong phú của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thú vị trải nghiệm trên sông mùa nước nổi
Mưu sinh mùa nước nổi
Không mang trong mình vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy như bất cứ mảnh đất phồn hoa nào, nhưng với vẻ đẹp êm dịu và yên bình cộng với con người vô cùng hiếu khách nên ai đã từng đến miền Tây đều lưu luyến muốn quay trở lại. Nét bình yên ấy như tách bạch với chốn thành thị ồn ào, khói bụi.
Vẻ đẹp yên bình
Để có chuyến phượt sông nước thú vị dọc sông Tiền và sông Hậu, bạn có thể thuê một chiếc ghe có giá từ 8 đến 12 triệu đồng cho một chuyến 4 ngày 3 đêm cùng những người bạn đam mê khám phá.
Trên ghe sẽ có đầy đủ áo phao, bàn ghế, võng và cả một nhà bếp di động cho chuyến trải nghiệm lênh đênh sông nước. Hằng ngày, bạn có thể cập vào một chợ địa phương trên đường đi để mua trái cây, tôm cá, cua ốc, thậm chí cả rắn, chuột đồng hay chim nước…
Đặc biệt là đặc sản mùa nước nổi: cá linh, bông điên điển…để tự chế biến món ăn trên ghe cho hành trình cả ngày. Thậm chí, bạn có thể ghé vào những chiếc thuyền ba lá đang buông lưới trên sông để mua những mẻ tôm, cá tươi trong của ngư dân đang đánh bắt với giá rất chân chất và đáng yêu “cô, chú muốn cho bao nhiêu cũng được”.
Phiên chợ mùa nước nổi miền Tây
Đánh bắt cá trên sông
Âm thanh rẽ nước của chiếc ghe máy, hòa cùng những bản cải lương, tân cổ phát ra từ chiếc loa trên ghe, ngắm nhìn trời mây sông nước và cuộc sống người dân dọc sông Tiền và sông Hậu là một cảm giác an yên, tự tại. Miền Tây - một không gian sông nước thanh bình, yên ả và tiếng ca tài tử đầy thi vị. Bạn cũng có thể mang theo chiếc loa di động để hát với nhau trên ghe cùng bốn bề sông nước, thú vị làm sao!
Bình Minh trên sông
Buổi sáng từ trên mui thuyền bạn có thế ngắm nhìn mặt trời ló ra khỏi những ráng mây bồng bềnh, còn buổi chiều ngắm nhìn miền quê sông nước trong ánh hoàng hôn vàng rực, muộn hơn là cảnh trăng mùa thu hiện ra dưới bầu trời xanh ngắt, may mắn hơn nữa bạn còn có thể ngắm cầu vồng vắt ngang qua dòng sông trước cơn mưa đi qua - cảnh sắc thật tuyệt vời. Đây là những hình ảnh thiên nhiên kỳ thú trên sông mà bạn chỉ có thể phượt bằng ghe mới có thể chiêm ngưỡng, cảm nhận được điều đặc biệt có một không hai trong đời.
Hoàng Hôn trên sông
Mùa trăng
Cầu vồng vắt qua sông
Dọc sông Tiền, vùng Đồng Tháp mười có rất nhiều nhà máy xay và sấy lúa, người dân tấp nập đưa ghe và chuyển những bao lúa lên bờ để xay sát. Còn dọc theo dòng sông Hậu địa phận An Giang là những căn nhà nổi, những bè cá được xếp cạnh nhau tạo thành làng, kéo dài khoảng vài cây số, đặc trưng cho đời sống của bà con miền Tây sông nước chân chất, bình dị.
Nhà máy xay và sấy lúa
Nhà bè
Chiếc ghe rẽ nước ngầu đục, đỏ nặng phù sa lướt qua những làng quê yên bình ven sông, những cánh đồng lúa lúc thoắt lúc hiện khi nước lũ đổ về, hay xuyên qua màu xanh của vườn cây trĩu quả, xen với những hàng dừa và thuỷ liễu xanh mướt một màu. Vẻ đẹp sông nước hữu tình và nên thơ!
Khám phá đặc sản dân dã
Khám phá du lịch sông nước miệt vườn là phải ăn uống theo kiểu đồng quê, thưởng thức ca nhạc tài tử cải lương mới đúng điệu. Vì vậy, khi chiều xuống, bạn tấp ghe vào nghỉ ở một khách sạn trong vùng, buổi tối thong dong tìm những quán ăn dân dã, độc đáo, đặc thù đồng quê đồng bằng sông Cửu Long như: ốc luộc, chuột đồng nướng, ếch xào sả ớt, lươn hấp bầu, lẩu mắm, canh chua cá bông lau, cháo cá lóc, cá rô kho tộ, bún cá, lẩu cá linh với bông điên điển vàng tươi màu nắng… hấp dẫn, ngon lạ đến diệu kỳ.
Cháo cá lóc miền Tây
Lẩu cá Linh với bông Điên Điển
Những điểm du lịch "hot" khi đến miền Tây
Vườn quốc gia Tràm Chim
Điểm du lịch mà bạn không thể không ghé thăm khi ngang qua Đồng Tháp đó là Vườn quốc gia Tràm Chim. Đây là khu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long với gần 3.000ha rừng tràm, cùng nhiều loại chim, nhất là sếu đầu đỏ- một loài chim hạc rất quý hiếm.
Mùa nước nổi Tràm Chim như thay chiếc áo mới tràn đầy nhựa sống, sặc sỡ hơn, tươi mát hơn. Bạn sẽ được ngồi thuyền du ngoạn thăm thú cảnh đẹp của vùng đầm lầy. Bạn được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên rực rỡ với những vũ điệu đầy sắc màu tuyệt diệu của hoa cỏ, của cây rừng và chim muôn. Đặc biệt vào tháng mười hoa Sen, hoa Súng sẽ nở rực một vùng Tràm, mùi hương ngào ngạt của loài hoa tinh khiết này sẽ cho bạn cảm giác thư thái, an yên. Nếu đi vào sáng sớm hay chiều tối, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng hàng đàn chim tỏa đi khắp nơi rồi bay về tổ.
Tràm Chim
Buổi tối bạn có thể xuống thuyền lênh đênh trên hồ Tràm Chim vừa dùng bữa tối với các món ăn đồng quê dân dã miền Tây, vừa thưởng thức đàn ca tài tử do các ca sĩ cải lương, tân cổ miệt vườn đàn hát trên chiếc xuống nhỏ, dưới áng trăng thanh vằng vặc ngày rằm, một trải nghiệm đầy thi vị, hiếm có.
Du truyền trên Tràm Chim lúc hoàng hôn
Làng nổi Tân Lập
Làng nổi Tân Lập, hay còn gọi là rừng tràm Tân Lập, thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cũng là điểm thú vị mà đến miền Tây không thể không khám phá, bởi nơi đây sẽ cho bạn cảm giác như lạc vào miền cổ tích với ánh nắng len qua tán cây tràm, tiếng rì rào của lá, tiếng hót của chim… Chiếc ghe sẽ đưa bạn len lỏi chạy xuyên qua làng nổi Tân Lập là rạch Rừng. Trước làng là dòng sông Vàm Cỏ Tây hiền hòa với những mảng bèo xanh trôi trên dòng phù sa đỏ quánh.
Trước làng nổi Tân Lập
Rạch Rừng là địa điểm check-in đình đám của du khách thăm quan làng nổi Tân Lập, nhất là giới trẻ khi mùa nước đổ về. Làng nổi Tân Lập như một ốc đảo ẩn mình giữa mênh mông rừng tràm, cảnh đẹp ở đây khiến bạn có cảm giác như lạc vào một khu rừng cổ tích vậy. Bạn sẽ được khám phá, chiêm ngưỡng cây cầu nhỏ xuyên rừng tràm dài 5 km, ngắm nhìn vẻ đẹp của những rặng tràm cao ngút tầm mắt tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Khi bạn bước trên cây cầu băng rừng đó, nắng len lỏi qua những tán cây, phản chiếu màu xanh mát rượi của lá khiến bạn bỗng cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng và thú vị biết bao.
Cầu nhỏ xuyên rừng
Nếu bạn muốn ngắm nhìn toàn cảnh của làng Tân lập thì có thể lên cột tháp cao trong làng. Nhìn từ trên cao, làng Tân Lập như một ốc đảo ẩn mình giữa mênh mông rừng tràm, cảm giác thật bình yên, êm ả.
Làng nổi Tân Lập nhỉn từ trên cao
Rừng tràm Trà Sư
Nếu bạn muốn tận hưởng cảm giác ngồi trên chiếc xuồng máy hay chiếc xuồng ba lá, rẽ thảm bèo tấm xanh ngắt len lỏi xuyên vào rừng tràm đang đan tay che mát và nghe âm thanh của mái chèo của chim muôn và tiếng cá đớp mồi thì hãy đến Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là điểm nhấn trong cung đường du lịch miền Tây mùa nước nổi, với diện tích 850ha rừng tràm. Rừng tràm cũng đẹp ngất ngây vào khi mùa nước về, bởi cảnh quan nơi đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu.
Rừng Tràm Trà Sư như một bức tranh
Bạn chỉ cần chi 60 ngàn đồng/người là bạn được ngồi xuồng máy và thuyền ba lá chèo tay thỏa thích lượn quanh rừng tràm đắm mình vào cảnh đẹp sông nước hiền hòa, lãng mạn, ngắm những bông điên điển rực rỡ sắc vàng.
Búng Bình Thiên
Trước khi đến An Giang, tôi cũng tìm hiểu nhiều trên mạng về Búng Bình Thiên về hồ nước trời của huyện An Phú, An Giang, nằm sát biên giới Campuchia. Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây Nam Bộ, vào mùa nước nổi mặt búng rộng khoảng 900ha, nước ở hồ cứ dâng lên rồi hạ xuống chứ không chảy. Tuy nhiên, khi đến Búng Bình Thiên cảm giác không phải lãng mạn và thơ mộng như hình ảnh và miêu tả mà tôi đã đọc và xem. Vì giờ đây Búng Bình Thiên chỉ là một chiếc hồ vắng lặng và yên ả, không mây gì hấp dẫn.
Búng Bình Thiên yên bình
Tuy nhiên, nếu bạn muốn khám phá cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa tâm linh rất riêng và đặc sắc của người Chăm thì có thể ghé vào nhà thờ và ghé vào ngôi chợ nhỏ bên bờ hồ Búng Bình Thiên.
Thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khoy Ri Yah ở bên bờ Búng Lớn, xã Nhơn Hội
Cửa khẩu biên giới
Phượt ghe dọc sông Tiền, khi đến địa phận An Giang, bạn nên ghé vào cửa khẩu Vĩnh Xương-Thường Phước qua biên giới Campuchia vào thăm quan các sòng bạc, mua sắm hàng hóa, mỹ phẩm, sữa tắm, dầu gội… của Campuchia và Thái Lan với giá rẻ, chất lượng tốt cũng là một trải nghiệm thú vị, khó quên…
Chợ nổi ở Long Xuyên, An Giang, làng dệt Thổ cẩm Châu Phong và làng nuôi cá bè Châu Đốc
Đến An Giang, bạn có thể đi ghe vào Chợ nổi ở Long Xuyên nằm trên sông Hậu thuộc địa phận phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nơi đây tập trung hàng trăm ghe xuồng neo đậu san sát trên sông, sinh hoạt, và buôn bán quanh năm suốt tháng. Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như: rau, dưa, cà, cải, bí, khoai… và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn…
Chợ nổi
Sau khi thăm quan chợ nổi, bạn có thể ghé vào làng dệt Thổ cẩm Châu Phong của người Chăm – làng cổ còn mang đậm nét đặc trưng văn hóa Chăm, thưởng thức âm nhạc Chăm, mua sắm hàng thổ cẩm, thưởng thức những món ăn truyền thống của người chăm là cà ri bò, lạp xưởng bò, gỏi sầu đâu… Bên cạnh đó bạn còn có thể ghé vào làng nuôi cá bè Châu Đốc nơi tập trung nhiều bè nuôi cá nhất ở khu vực Đồng Bằng sông Cứu Long để xem cuộc sống của cư dân nuôi cá trên bè nơi đây cũng rất thú vị, hấp dẫn.
Làng dệt Châu Phong
Thử một lần phượt ghe và thả hồn theo con nước chốn miền Tây dân dã mùa nước nổi
Phượt ghe sông nước Miền Tây mùa nước nổi là một trải nghiệm vô cùng thú vị và hấp dẫn, bởi vẻ đẹp miền Tây mang nét giản dị, hiền hòa và mộc mạc; món ăn dân dã, đặc sắc và hấp dẫn; con người vô cùng thân thiện, gần gũi và chất phác. Nếu có thời gian bạn còn có thể khám phá nhiều nét nổi bật hơn nữa của vùng đất Phương Nam trù phú, yên bình này.