Chờ...

Quy định mới về miễn thuế đất nông nghiệp và hòa giải thương mại

(VOH) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Ảnh minh họa: vinanet

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.

Cụ thể, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng:

- Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả nhận thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp).

- Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và hộ gia đình, cá nhân nhận đất giao khoán ổn định của công ty nông, lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

Việc giao khoán đất của hợp tác xã và nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Nông trường viên, lâm trường viên bao gồm: Cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc cho nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh; hộ gia đình có người đang làm việc cho nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, được hưởng chế độ đang cư trú trên địa bàn; hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang cư trú trên địa bàn.

- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.

Khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung việc khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế. Trong đó, việc khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các trường hợp có thay đổi về nội dung miễn thuế theo quy định tại Nghị định này so với quy định của pháp luật về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã thực hiện trong giai đoạn từ năm 2003 đến hết năm 2010 thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các đối tượng đang phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp được chuyển sang miễn thuế từ năm 2017 đến hết năm 2020 như sau:

- Căn cứ sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp (sổ thuế gốc, sổ theo dõi thu) năm 2016 và tình hình thực tế tại địa phương, Chi cục thuế phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rà soát và xác định đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định để chuyển từ sổ theo dõi thu sang sổ thuế gốc.

- Người nộp thuế đã có tên trong sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp nay thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định thì không phải kê khai lại và làm lại hồ sơ xét miễn thuế. Cơ quan thuế thực hiện chuyển sổ theo dõi theo hướng dẫn. Trường hợp phát sinh mới đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thì cơ quan thuế phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, đơn vị có liên quan hướng dẫn người nộp thuế kê khai và lập hồ sơ miễn thuế theo quy định, đồng thời cơ quan thuế bổ sung sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp.

- Trường hợp trong năm nếu có sự thay đổi về căn cứ tính thuế thì người nộp thuế phải thực hiện kê khai lại và nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã để điều chỉnh sổ thuế.

Quy định về hòa giải thương mại

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc, chính sách, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại.

Nguyên tắc hòa giải

Nghị định yêu cầu việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại phải đảm bảo nguyên tắc các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thoả thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp. 

Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại; khuyến khích huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại.

Trình tự hòa giải

Nghị định quy định các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.

Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.

Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.

Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.