Sản phẩm nông nghiệp an toàn: cần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

(VOH) - Trong mấy năm gần đây, một số nông sản xuất khẩu nước ta đã bị từ chối cho nhập khẩu ở nhiều quốc gia, vì bị cho là có tồn dư hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, một số mặt hàng của Việt Nam như gạo, tôm, rau gia vị... đã và đang tiếp tục bị cảnh báo về vấn đề này.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho nông sản tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu, từ hơn 20 năm qua, ngành nông nghiệp đã ban hành danh mục cấm hoặc hạn chế một số thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây trồng. Tính đến năm 2015, gần 200 hoạt chất là hóa chất bảo vệ thực vật, điều hòa sinh trưởng, trừ cỏ, trừ ốc... đã nằm trong danh mục không được phép sử dụng trong nông nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, một số hoạt chất bảo vệ thực vật ở nước ngoài đã cấm sử dụng nhưng Việt Nam thì chưa. Vì vậy, những nông sản xuất khẩu bị tồn dư hóa chất cấm đã bị cảnh báo.

Ảnh minh họa: VTV

Trước vấn đề này, mới đây, ngành nông nghiệp tiếp tục đưa 3 hoạt chất Carbendazim, Benomyl, Thiophanate-methyl vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng. Mục tiêu nhằm bảo vệ các thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam.

Đây là một hành động cần thiết và kịp thời, mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là để quy trình sản xuất nông sản của Việt Nam ngày càng bảo đảm an toàn thực phẩm, theo hướng hữu cơ, sạch hơn.

Một trong những yêu cầu tiên quyết để sản xuất sạch, an toàn là sử dụng vật tư nông nghiệp, không chỉ thuốc bảo vệ thực vật mà cả phân bón và vật tư đó phải nằm trong danh mục được ngành nông nghiệp Việt Nam cho phép sử dụng hoặc hạn chế sử dụng.

Bên cạnh đó, người sản xuất còn phải sử dụng đúng liều lượng, thời gian cách ly trước khi thu hoạch nông sản. Bởi vì, nếu sử dụng hoạt chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng cao và không tuân thủ thời gian cách ly cũng gây ra tình trạng tồn dư hóa chất trong nông sản. 

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp ở nước ta rất cao, khoảng 80%. Nhiều trường hợp có thể không cần sử dụng nhưng người sản xuất vẫn phun xịt. Mặc dù, vào những thời điểm ít sâu bệnh nhất trong năm nhưng lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây rau tại nhiều địa phương lại không hề nhỏ.

Vì thế, nông dân là người có vai trò quyết định trong kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, cần kiểm tra trên vỏ nhãn các loại thuốc bảo vệ thực vật đang dùng hàng ngày cho cây trồng, nếu có tên của một trong những thành phần Carbendazim, Benomyl và Thiophanate-methyl thì phải ngưng sử dụng.

Điểm lợi nữa là Việt Nam cũng sẽ giảm bớt được một phần ngoại tệ để nhập khẩu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, hiện lên đến khoảng 1 tỷ USD/năm. Điều này còn thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu để tạo ra những hoạt chất bảo vệ thực vật theo hướng công nghệ sinh học, hữu cơ, an toàn cho môi trường và sức khỏe con người. Và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật cũng sẽ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các hoạt chất bảo vệ thực vật theo xu hướng này.

Về phía cơ quan chức năng, với quyết định cấm sử dụng các hoạt chất bảo vệ thực vật sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết, có hiệu quả để kiểm soát thị trường thuốc bảo vệ thực vật.

Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp nên vẫn cần sử dụng các hoạt chất bảo vệ thực vật. Vấn đề cần quan tâm là biện pháp kiểm soát của cơ quan chức năng và ý thức của người sản xuất trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Trong tương lai, các nông sản xuất khẩu còn phải đáp ứng yêu cầu của các thị  trường nhập khẩu. Cụ thể, vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết các nhà xuất khẩu rau và đồ gia vị, trong đó có Việt Nam, sang thị trường Thụy Sĩ nên lưu ý về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép. 

Theo Văn phòng An toàn và Thú y thực phẩm Thụy Sĩ trong gần 900 mẫu thử nghiệm từ năm 2012 đến năm 2015, gần 1/3 mẫu hàng hóa không bảo đảm tiêu chuẩn. Những hàng hoá của các nhà nhập khẩu liên quan có thể bị tịch thu nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết. 

Hiện nay  Ủy ban châu Âu đang đề xuất việc cấm sử dụng chất Tricyclazole làm thuốc trừ sâu trong tất cả các nước thành viên EU, đồng thời muốn hạ mức dư lượng chất Tricyclazole tối đa cho phép trong gạo nhập khẩu từ ngưỡng hiện hành 1 mg/kg xuống ngưỡng 0,01mg/kg. Thời gian đề nghị áp dụng từ tháng 1/2018.