Sản xuất sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh và thương mại hóa sản phẩm

(VOH) - Sáng 20/08, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức buổi hội thảo đánh giá dự án làm chủ quy trình công nghệ Bioreactor sản xuất rễ tóc sâm Ngọc Linh...

Theo các chuyên gia, sâm Ngọc Linh còn gọi sâm Việt Nam thuộc nhóm sâm Việt Nam còn có các sâm Langbiang, Lai Châu, Tam thất bắc, Tam thất hoang và Vũ diệp. Sâm Ngọc Linh Việt Nam có 72 hoạt chất saponin. Thông thường, củ sâm trên thế giới qua quá trình phơi, hấp chín và phơi cho ra các sản phẩm bạch sâm, hồng sâm và hắc sâm, sẽ có hình thành những sản phẩm chuyển hóa khác.

Sâm củ và rễ tóc sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng như bồi bổ cơ thể, tăng lực, chống nhược sức, điều hòa chuyển hóa, chống stress, tăng sức đề kháng, bảo vệ gan, chống khối u, hạ đường huyết, chống oxy hóa, lão hóa.

Theo đánh giá, sâm Ngọc Linh Việt Nam có hiệu quả cao hơn so với một số loại sâm khác trên thế giới. Hiện Trung tâm Công nghệ Sinh học TP đang sản xuất khoảng 100 kg rễ tóc một tháng và thử nghiệm sản xuất được 2 sản phẩm là gói dung dịch 1% và lọ 30 viên nhộng 100 mg/viên.

sâm Ngọc Linh,

Mô hình sản xuất sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh

“Đúc kết kết quả bước đầu của dự án này được một phần, thực ra chúng tôi tiếp tục làm tiếp, làm sao ổn định các hoạt chất, làm sao giữ được các thành phần đang mong muốn có trong rễ tóc, làm thế nào ổn định chất lượng, đầu ra. Trên cơ sở đó, chúng ta ổn định nguyên liệu cho sản xuất tiếp theo, ví dụ như nước uống, viên nang hay các thành phần tiếp theo để giúp cho sản phẩm được thương mại hóa. Và trên cơ sở dự án này, chúng tôi cũng sẵn sàng chuyển giao độc quyền hoặc từng phần cho các đơn vị đối tác để phát triển sản phẩm này, kết hợp bổ sung thêm nguyên liệu từ các nguồn dược liệu quý từ cây sâm đã trồng ở các vùng”, Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP cho biết thêm.