Sau thịt heo, TPHCM truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm

(VOH) - Hiện nay, 85% hàng hóa tiêu thụ tại TPHCM là do các tỉnh thành cung cấp. Để TPHCM thực hiện được việc kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi sự kiên trì, chung tay hợp lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và sự hưởng ứng, quan tâm và kiểm tra của người tiêu dùng.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo diễn ra tại TP vào sáng 1/7, Thành phố thể hiện quyết tâm thực hiện đến cùng vì cộng đồng, vì lợi ích chung của xã hội.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính từ lúc bắt đầu triển khai (ngày 16/12/2016) đến nay, đã có 1.280 cơ sở chăn nuôi và 25 cơ sở giết mổ của thành phố và 16 tỉnh thành khu vực phía Nam tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của thành phố.

Người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin qua ứng dụng trên smartphone. Ảnh: HNM

Truy xuất nguồn thịt gia cầm, trứng gia cầm

Sau 6 tháng thử nghiệm, từ ngày 31/7 tới, TPHCM bắt đầu kiểm soát nguồn heo và thịt heo cung ứng cho thị trường thành phố. Và từ 1/7, TPHCM triển khai thực hiện Đề án Quản lý và Truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm qua ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ mã QR code, vòng niêm phong,...

Sau 2 tháng triển khai, tức là từ ngày 1/9, thành phố chính thức kiểm soát nguồn thịt gia cầm, trứng gia cầm cung ứng cho thị trường thành phố theo quy định của Đề án.

Ông Lê Thanh Phương – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Emivest Feedmill Việt Nam mong muốn: "Khi chúng ta bắt đầu chương trình này, nên cố gắng đeo đuổi tới nơi tới chốn, để một ngày nào đó trở thành một chuyện hết sức bình thường. Trong chương trình này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của tất cả các thành phần liên quan mà trong đó sự chế tài của nhà nước đóng vai trò rất quan trọng để tạo sân chơi công bằng cho tất cả doanh nghiệp".

Với Đề án Quản lý và Truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm, Sở Công Thương đã tiếp nhận được 18 doanh nghiệp TPHCM và các tỉnh Đông Tây Nam Bộ, hơn 1.700 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm tham gia.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP đề nghị các đơn vị cùng hợp lực, cùng chia sẻ, hợp tác và quyết tâm làm đến cùng để đề án này khả thi và mang tính hiện thực, mang lại hiệu quả chung vì an toàn thực phẩm, vì sức khỏe của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Thịt heo vào chợ phải truy xuất được nguồn gốc

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, triển khai việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm giúp người chăn nuôi thu hoạch sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được thị trường chấp nhận; đồng thời xây dựng nguồn thực phẩm sạch để người tiêu dùng chọn lựa. Đây là biện pháp căn cơ, đúng với xu hướng phát triển của thế giới, giúp kiểm soát từ xa tất cả các mặt hàng thực phẩm.

"Nếu không có gì thay đổi thì hạn chót ngày 31/7, nếu thực phẩm không được truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là heo sẽ không vào được 2 chợ đầu mối, chợ truyền thống và các cửa hàng tiện ích", ông Tuyến cho biết.

Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, các Sở, ban, ngành thành phố không dừng lại ở việc truy xuất nguồn gốc mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm mà sẽ mở rộng triển khai Đề án với các mặt hàng thực phẩm khác như: thịt bò, rau củ quả,… để khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc.