Sau vụ bé gái rớt từ tầng 13 chung cư: Lắp đặt lưới an toàn sao cho hợp lý?

(VOH) - Sau vụ bé gái rớt từ tầng 13 chung cư, lượng người lắp đặt lưới an toàn tăng đột biến. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là lắp đặt lưới an toàn sao cho hợp lý.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ (QCXDVN 05:2008/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành, lan can chung cư phải đạt tiêu chuẩn như: khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô - gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên thì chiều cao tối thiểu là 1,4 m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác là từ 0,9 - 1,1 m…

Do quy chuẩn về lan can chung cư được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm ngặt, nên các hộ gia đình sống tại chung cư đã yên tâm hơn. Trừ những gia đình có con nhỏ và kỹ tính mới lắp đặt thêm lưới/thanh chắn bảo vệ.

lưới an toàn chung cư, lưới an toàn, ban công chung cư, voh.com.vn
Lắp lưới an toàn cho ban công chung cư để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ (Ảnh: HL)

Tuy nhiên, sau khi có vụ tai nạn bé gái rớt từ tầng 13 chung cư, nhiều gia đình sống tại chung cư đã ùn ùn lắp đặt thêm các loại lưới chắn an toàn để tránh trường hợp không may trẻ rớt xuống dưới.

Anh P. G. sống tại một chung cư tại TP.Thủ Đức cho biết, trước đây, gia đình đình đã hàn sắt phía trong các cửa sổ kính nhằm đảm bảo an toàn cho các con, nhưng giữ nguyên khu vực ban công cho thoáng tầm nhìn. Tuy nhiên, sau vụ bé gái rơi từ lầu cao chung cư xuống dưới, anh đã phải lắp lưới an toàn cho khu vực ban công.

“Mặc dù hai bé đã học tiểu học, đã hiểu về sự mất an toàn khi chơi đùa tại khu vực ban công nhưng tôi vẫn lắp thêm lưới an toàn cho “chắc ăn” vì sợ nhiều khi bé mải chơi, quên giữ an toàn” – anh G. lo lắng.

>>> Các quy tắc khi để trẻ ở nhà một mình

Anh H. L. (TP. Thủ Đức) cũng mang trong mình sự lo lắng về những rủi ro liên quan tới ban công, cho nên sau vụ tai nạn, anh đã vội phải kêu thợ lắp lưới hết các khu vực ô cửa sổ, khu vực phơi đồ và ban công.

Anh cho biết: “Lan can nhà tôi cao, bé nhỏ khó trèo qua được nên nhà tôi chỉ lắp lưới mắt cáo chắn khoảng hở giữa các thanh lan can để ngừa con thò tay, ném đồ xuống dưới. Vụ tai nạn xảy ra khiến tôi cũng lo, đành kêu thợ bắt lưới chắn hết cả khoảng trống bên trên cho chắc ăn. Nhiều gia đình ở chung cư tôi ở cũng lo lắng hỏi số điện thoại của đơn vị lắp đặt để lắp lưới an toàn cho ban công nhà mình”.

>>> Khen thưởng người cứu bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư

Lắp đặt lưới an toàn sao cho an toàn hiệu quả

Anh Đức Phú, một người chuyên lắp đặt hệ thống lưới an toàn cho ban công cho biết, hai ngày nay, đội lắp lưới mà Phú đang làm việc với gần 30 người phải chạy như thoi khi số lượng cuộc gọi lắp đặt lưới an toàn tăng 70-80%, trong đó, chủ yếu là khách hàng ở chung cư.

Trước đây, khi lưới an toàn ban công chưa phổ biến thì để đảm bảo an toàn khi ở chung cư, người ta thường hàn những khung thép lớn, độ cứng cao để “bọc” toàn bộ ban công, hình thức có vẻ thô kệch hơn. Tuy nhiên, hiện nay lưới ban công thiết kế thanh gọn, có tính thẩm mỹ cao được lựa chọn nhiều hơn và hơn hết, tránh được những tai nạn đáng tiếc khi sống trên các căn nhà cao tầng.

lưới an toàn chung cư, lưới an toàn, ban công chung cư, voh.com.vn
Anh Phú đang lắp lưới an toàn cho ban công chung cư (Ảnh: HL)

Anh Đức Phú cho biết: "Lưới an toàn cho ban công được kết từ những sợi cáp inox xoắn (bọc nhựa) có khả năng chịu lực cao (có thể chịu lực kéo tối đa lên đến 950N), được đan vào những ốc vít gắn trên thanh nhôm chuyên dụng".

Sợi cáp được bọc một lớp nhựa HDPE hoặc PE chống ăn mòn, chính vì vậy mà loại lưới này khá bền và không gây đứt tay hoặc xước tay khi chẳng may bị va chạm mạnh.

Có nhiều loại cáp khác nhau (lưới an toàn cáp 2.5mm và lưới an toàn cáp 3.0mm) nhưng hiện nay đa phần khách chọn loại cáp từ dây cáp bọc nhựa kích thước 2.5mm do sợi thanh, khi lắp đặt không làm ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn chung cư.

Anh Đức Phú khuyên, người lắp lưới an toàn ban công có thể chọn độ rộng giữa các sợi dây là từ 5 – 15 cm tùy theo sở thích của người lắp, tuy nhiên, ở ban công chung cư, người dân nên lắp với kích thước giữa các sợi dây khoảng 5 cm để bảo vệ trẻ nhỏ tốt hơn, khi phơi quần áo cũng không phải lo quần áo bị rơi xuống dưới đất khi có gió lớn. 

Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra cháy nổ, lực lược cứu hộ cũng dễ dàng dùng kìm cắt dây để vào căn hộ từ hướng ban công (thay vì phải dùng cưa cưa các khung an toàn bằng sắt hàn cố định vào ban công).

Giá lưới và công lắp đặt hiện chỉ dao động ở mức từ 180.000 – 220.000 đồng, tùy đơn vị thi công. Việc lắp đặt cũng đơn giản khi một người thợ chị cần khoảng 1 giờ đồng hồ có thể lắp đặt hoàn thiện bộ lưới an toàn cho ban công.