Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, với 30.000 doanh nghiệp

(VOH) - Chiều 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021.

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội quý I/2021 phát triển tích cực. Nhiều chỉ số kinh tế-xã hội tốt hơn. Không khí làm ăn kinh doanh khởi sắc hơn, nhất là khi chúng ta kiểm soát được dịch COVID-19.

Tăng trưởng GDP quý I đạt 4,8%. Ba lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế tiếp tục tăng, mặc dù dịch vụ tăng thấp do dịch bệnh. So với cùng kỳ, chỉ số tăng trưởng này tốt hơn rất nhiều. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, với 30.000 doanh nghiệp, tăng khoảng 28%, nhất là doanh nghiệp ngành chế tạo có xu hướng tăng rất tốt.

phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 31 tháng 3 năm 2021
Tại điểm cầu TPHCM

Vốn đầu tư xã hội đều tăng. Vốn FDI đăng ký mới tăng hơn 30%, đạt 7,2 tỷ đô la Mỹ. Thu ngân sách cũng tăng mạnh, do đó, bảo đảm cân đối thu chi cho các nhiệm vụ quan trọng, nhất là chi cho phòng chống dịch COVID-19 được bảo đảm tốt. Xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, trong đó, xuất siêu hơn 2 tỷ đô la Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý I năm nay tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

“Chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đều bảo đảm. Kịp thời giải quyết hỗ trợ người dân lúc giáp hạt. Điều quan trọng là đời sống, niềm tin của người dân tăng lên. Không khí làm ăn, đầu tư đáng mừng. Chúng ta đi trên quốc lộ 1, cao tốc thì thấy mức độ xe cộ đi lại hay các phương tiện luân chuyển hàng hóa khác đều tấp nập so với một, hai  tháng trước đây, điều đó hết sức đáng mừng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Báo cáo về tình hình kinh tế quý 1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 cao hơn quý I/2020, ước tăng gần 4,5%, cùng kỳ tăng gần 3,7%. Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển tăng khá, đạt hơn 6%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, trong đó, vốn đầu tư công tăng 13%, đạt 15% kế hoạch; vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng 5,7%; vốn FDI thực hiện tăng 6,5%. Tổng vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 10 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 18%. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tăng 6 lần. Doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 27% vốn đăng ký. Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, trong đó, thu ngân sách bằng gần 24% dự toán.

Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các Hiệp định FTA đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 153 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Xuất siêu trên 2 tỷ đô la Mỹ…

Khu vực nông lâm nghiệp tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng là 3,16%. Năng suất lúa đạt khá, chăn nuôi phục hồi, xuất khẩu khả quan so với cùng kỳ năm trước, có dấu hiệu khởi sắc, đạt mức tăng trưởng 6,3%. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính của nền kinh tế, tăng 9,45%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và tiệm cận ở mức hai con số so với cả thời điểm trước dịch bệnh.

Báo cáo với Chính phủ 5 nội dung lớn, trong đó có dự án giải quyết ngập do triều của TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng cho hay: “Dự án được hình thành trong bối cảnh giải quyết nhu cầu triều cường, ngập úng khi mưa lớn ở TPHCM là rất bức thiết. Nhu cầu vốn đầu tư quá lớn gần 10 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn nhà nước không đủ đáp ứng nên quyết định áp dụng hợp đồng BT cho dự án. Vì vậy, tại thông báo số 285 và 20/8/2015, Thủ tướng chính phủ đã đồng ý áp dụng hình thức BT bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị dự án BT UBND TPHCM được thanh toán bằng ngân sách của Thành phố với phần chênh lệch”.

Theo Bộ trưởng, vướng mắc chính hiện nay của dự án có liên quan đến việc thanh toán cho nhà đầu tư.