Chờ...

Tận dụng tốt ưu đãi về thuế của EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng

(VOH) - Sáng 17/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA" tại TPHCM.

Hội nghị là nơi các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, cập nhật thông tin, đồng thời nhận diện những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khi áp dụng quy xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam, để từ đó đưa ra những phương hướng, hành động cụ thể trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp mở cửa sâu rộng cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU. Đồng thời, nhằm đi sâu tìm hiểu, đánh giá và hỗ trợ việc thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA.

Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực mang một ý nghĩa to lớn đối với cả Việt Nam và EU, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Đối với EU, Việt Nam là nước đối tác đang phát triển đầu tiên tại khu vực châu Á –Thái Bình Dương, là cầu nối quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa EU và khu vực này. Đối với Việt Nam, EU là đối tác thương mại quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và thị trường châu Âu. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,5 tỷ đô la Mỹ và nhập khẩu đạt xấp xỉ 15 tỷ đô la Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu ở Hội nghị Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu ở Hội nghị Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA

Theo ông Trần Quốc Khánh kết quả thực thi Hiệp định EVFTA trong những tháng đầu tiên là khá tích cực. "Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 năm 2020 đã có được tăng trưởng dương, cụ thể là tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang đến tháng 9 thì tình hình càng khả quan hơn nữa, xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, thì đây là những con số đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của Liên minh châu Âu vẫn đang tăng trưởng âm, nhưng chúng ta vẫn hy vọng với kết quả xuất khẩu của tháng 8, 9, 10, 11, 12, nếu chúng ta vẫn tiếp tục tận dụng thật tốt Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu thì cũng có khả năng chúng ta giữ được mức tăng trưởng dương sang thị trường liên minh châu Âu", ông Khánh nhận định.

Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới các doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần chủ động, chủ động để đầu tư nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm, để sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng và thâm nhập vào thị trường EU, đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như quy trình quản lý của EU. Đồng thời đảm bảo các trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa về thông tin lao động, môi trường… đây là những điều EU hết sức quan tâm. 

"Việc mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực và mở rộng trong thị trường EU, một trong những điều kiện rất quan trọng muốn tận dụng ưu đãi đó là phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, muốn đáp ứng quy tắc xuất xứ thì chúng ta phải có nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nguồn nguyên liệu nội khối, cho nên doanh nghiệp phải nắm rất rõ những quy định về quy tắc xuất xứ, để chúng ta có thể điều chỉnh nguồn nguyên liệu của mình, sử dụng nguồn nguyên liệu hợp lý, đáp ứng quy tắc xuất xứ thì mới có thể tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu các quy tắc xuất xứ, cũng như tham gia vào các hội thảo, những khóa tập huấn mà Bộ Công Thương sẽ thường xuyên tổ chức để nắm bắt các quy định, để tận dụng các quy định này", bà Trang cho biết thêm. 

Ông Trương Đình Hoè – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, đối với thuỷ sản trong giai đoạn đầu tiên thì chỉ có một số mặt hàng đạt được về mức thuế bằng "0" ngay, còn lại một số thì cần có lộ trình, quan trọng là nhắm đến các mặt hàng đó để tăng trưởng vấn đề xuất khẩu trong tương lai. Về xuất xứ hàng hóa thì đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần phải được tập huấn, cũng như là trao đổi thường xuyên để trên cơ sở đó, ngày càng hoàn thiện hơn cơ chế về vấn đề xuất xứ.

"Một trong những vấn đề mà chúng tôi nghĩ rằng là một niềm tin rất lớn cho phía châu Âu, để trên cơ sở chúng ta có thể thuận lợi trong quá trình xuất khẩu với EVFTA một cách lâu dài. Với các doanh nghiệp thuỷ sản luôn luôn tâm niệm rằng, quan trọng của vấn đề EVFTA không phải là xuất khẩu nhiều hay ít trong giai đoạn sau thực thi, quan trọng là tạo được niềm tin đến bao nhiêu cho nhà nhập khẩu để trên cơ sở họ có thể tin tưởng, cũng như các cơ quan hữu quan của phía châu Âu tin tưởng được thuỷ sản Việt Nam đáp ứng đủ, đáp ứng được, bảo đảm các vấn đề liên quan đến xuất xứ, thì trên cơ sở đó tận dụng tốt cái EVFTA được lâu dài", ông Trương Đình Hoè nói. 

“Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA
Toàn cảnh hội nghị. 

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam, Hiệp định EVFTA thực thi đối với ngành giày dép không gặp trở ngại gì quá lớn đối với việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ cho sản phẩm giày dép xuất khẩu vào EU, bởi vì tất cả đều về thuế suất 0%, các yêu cầu về xuất xứ không quá khó đối với ngành. "Từ trước tới nay thì ngành giày dép vẫn được hưởng GSP, chính vì thế việc đáp ứng quy tắc xuất xứ cũng như các thủ tục của EU thì khá quen thuộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cho nên lợi thế của ngành giày dép cực kỳ lớn. Còn phần sản xuất nguyên phụ liệu hiện nay thì các nhãn hàng cũng đã dịch chuyển cả nguyên phụ liệu một phần vào trong để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Chính vì thế mà các doanh nghiệp không kêu ca gì khi mà thực thi việc tận hưởng lợi ích của hiệp định này", bà Xuân nói.

Bộ Công Thương nhận định một trong những lợi ích rõ rệt nhất mà Hiệp định EVFTA mang lại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đó là mức độ cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất mà đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm.