Mới đây, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM tổ chức, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh TPHCM và 20 doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn thành phố đã thực hiện ký kết các hợp đồng tín dụng. Đây 1 trong 3 chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chuyên đề mà Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức tín dụng tổ chức trong tháng 10/2024.
Lễ ký kết nhằm tạo sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu, cải tiến công nghệ và đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2024. Đại diện Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh TPHCM cho biết, các giải pháp của ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đã tiết giảm chi phí, thủ tục vay vốn, tối đa hóa chi phí hoạt động. Trong đó, có nhiều chương trình cho vay ưu đãi đặc biệt dành riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu; chương trình cho vay tài trợ vốn lưu động với lãi suất cạnh tranh và thời gian giải ngân nhanh chóng.
Tính đến cuối tháng 10/2024, đã có 17 ngân hàng trên địa bàn TPHCM đăng ký tham gia chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 509.800 tỉ đồng. Đến nay, con số giải ngân đã đạt hơn 425.600 tỉ đồng, bằng 83,4% quy mô gói hỗ trợ đã cam kết hồi đầu năm. Trong 9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đã phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố (ITPC) và UBND các quận, huyện tổ chức hơn 30 hội nghị đối thoại, ký kết cho vay vốn. Trong đó, đã ký kết cho vay vốn trực tiếp tại hội nghị với tổng số tiền gần 60.000 tỉ đồng cho gần 4.500 khách hàng doanh nghiệp và hộ sản xuất - kinh doanh. Thông qua chương trình đối thoại, ngành ngân hàng đã phổ biến thông tin chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn và dịch vụ ngân hàng, với tổng số trên 6.000 lượt doanh nghiệp tham gia.
Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đã cho thấy ý nghĩa, không chỉ kịp thời chia sẻ khó khăn doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin về cơ chế chính sách, để tiếp cận thuận lợi dịch vụ ngân hàng, cũng như thực hiện tốt quy định và trách nhiệm của doanh nghiệp trong sử dụng vốn và dịch vụ ngân hàng; là kênh tiếp vốn quan trọng, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý để vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, chương trình đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết thêm, ở góc độ quản lý và thực hiện nhiệm vụ địa phương, hoạt động kết nối doanh nghiệp và ngân hàng của ngành ngân hàng, tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình, gắn với cơ chế chính sách của Ngân hàng Trung ương và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi cùng với những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế, từ hoạt động của doanh nghiệp và một số ngành lĩnh vực như xuất khẩu; du lịch và dịch vụ tăng trưởng… là yếu tố môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong những tháng gần đây và trong thời gian còn lại của năm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ: hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.