Tăng cường sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong nước

(VOH) - Ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm trở lại đây.

Năm 2021, dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu cả nước đạt gần 16 tỷ đô la Mỹ, tăng 20% so với năm trước.

Tại hội thảo Tham vấn hoàn thiện báo cáo “Ngành gỗ Việt Nam các vấn đề chiến lược và định hướng giải pháp phát triển đến năm 2030” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp Hiệp hội gỗ địa phương tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030, cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho ngành gỗ phát triển hơn nữa trong tình hình mới.

Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam thuộc hàng năng động nhất thế giới. Việt Nam đã vươn lên trở thành nước sản xuất gỗ và đồ nội thất lớn thứ 7 và là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. Trong nước, xuất khẩu gỗ cũng nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, mức độ thặng dư thương mại xếp thứ 3 trong các mặt hàng, tạo việc làm cho hơn nửa triệu lao động.

Tăng cường sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong nước 1

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (giữa) đề xuất một số việc trước mắt cần thực hiện ngay để hạn chế, giảm thiểu nguy cơ bị điều tra áp thuế chống bán phá giá.

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh trong thời gian khá ngắn cũng khiến ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến và năng suất lao động hạn chế so với các quốc gia khác; Thiếu thông tin cơ bản về thị trường dẫn đến chấp nhận giá thấp hơn để có thể đạt được đơn hàng; Năng suất lao động chưa cao, thiết kế, kỹ năng marketing, quản trị sản xuất của các doanh nghiệp còn yếu.

Theo đó, trong tổng số hơn nửa triệu lao động đang làm việc trong ngành chế biến gỗ và nội thất, chỉ có 55% lao động động lành nghề, còn lại đều là lao động phổ thông chưa được đào tạo và chưa có kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp Hội Chế biến gỗ Bình Dương, để tăng năng suất lao động, cần phải tái cơ cấu thiết bị bởi chỉ có tái cơ cấu thiết bị mới đạt được năng suất và chất lượng sản phẩm cao, mới đủ sức trả lương cho người lao động cao hơn nữa để giữ được lực lượng lao động cho ngành.

Mặt khác, ông cũng cho rằng, nên định hướng lại thị hiếu tiêu dùng cho người tiêu dùng Việt Nam sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ trồng hợp pháp, sử dụng nguồn gốc gỗ thân thiện môi trường, không phải từ rừng tự nhiên.

Riêng về nguyên liệu, hiện nay nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng chưa được cải thiện, trong khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… ngày càng kiểm soát chặt chẽ  nguồn gốc xuất xứ gỗ.

Bên cạnh đó, tăng trưởng nhanh cũng khiến các doanh nghiệp trong nước đối mặt với sức ép cạnh tranh, các nguy cơ gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ dễ dẫn đến bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Để ngành gỗ phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, vốn, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết trồng rừng và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, nâng chất lượng nguồn nguyên liệu rừng trồng để tạo ra nguồn gỗ có chứng nhận; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hoá trong chế biến sản phẩm gỗ và phụ phẩm gỗ nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu. Đồng thời, có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dài hạn, có trình độ chuyên môn và năng suất cho ngành chế biến gỗ và sản phẩm nội thất.

“Ngành gỗ lâu nay chưa được đầu tư nhiều. Nếu như Chính phủ quan tâm hơn sẽ tạo sức đẩy cho ngành này phát triển mạnh hơn nữa và đây cũng chính là vấn đề cần xem xét. Hiện trình độ công nhân ngành gỗ còn thấp, hệ thống công nghiệp hỗ trợ cho ngành gỗ rất yếu. Chúng ta làm sao để có hệ thống chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới” -  Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất.

Mặt khác, để hạn chế, giảm thiểu nguy cơ bị điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất một số việc trước mắt cần thực hiện ngay : 

“Đầu tiên là phải tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để minh chứng cho việc không có nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giảm thiểu vấn đề bị áp thuế.

Phải làm thật tốt việc nhập khẩu nguyên liệu dưới dạng dễ bị lẩn tránh trốn xuất xứ để hạn chế nguy cơ bị áp thuế; Hạn chế việc khuyến khích các dự án sản xuất sản phẩm đã bị nước thứ ba áp thuế”- ông Đỗ Xuân Lập chỉ ra.