Từ 1/4, thêm nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn, nhất là hình thức gửi trực tuyến (online).
Cụ thể, từ cuối tháng 3-2022, OCB đã tăng lãi suất gửi tiết kiệm online đến 0,6%/năm ở kỳ hạn 6 tháng lên 6,2%/năm, tăng 0,5%/năm kỳ hạn 9 tháng lên 6,4%/năm và tăng 0,2%/năm kỳ hạn 12 tháng lên 6,5%/năm.
Từ 1/4, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) công bố biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến mới trong đó tăng thêm 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm online thêm 0,3%/năm ở kỳ hạn 6 tháng và 10-11 tháng lên tương ứng 6,5%/năm và 6,8%/năm; tăng 0,2%/năm kỳ hạn 8 tháng lên 6,6%/năm; tăng 0,1%/năm kỳ hạn 9 tháng lên 6,6%/năm.
Ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi online. Ngoài ra, kỳ hạn 12 tháng – 15 tháng cũng có lãi suất rất cao là 7,2%/năm.
NamABank vẫn giữ nguyên lãi suất đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, cao nhất là 6,7%/năm khi gửi kỳ hạn từ 18 tháng đến 23 tháng.
MB cũng vừa tăng thêm 0,4%/năm cho lãi suất tiền gửi 12 tháng tại quầy lên mức 5,5%/năm.
Techcombank cũng công bố từ ngày 30/3/2022, ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7,8%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 999 tỷ trở lên. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất được niêm yết hiện nay.
Đối với khách hàng có số tiền gửi nhỏ hơn, sẽ được hưởng lãi suất 4,7-4,9%/năm, vẫn như trước.
Từ cuối năm 2021 đầu năm 2022, các ngân hàng khác như VietCapitalBank, SeABank, BacABank, MSB, OCB, VietBank,SHB, NCB… cũng tăng lãi suất tiết kiệm tại quầy 0,1-0,3%/năm ở một số kỳ hạn.
Mức tăng từ cuối năm 2021 đến nay là khoảng 0,3-1%/năm ở các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ và vừa. Ở các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank, lãi suất tiền gửi vẫn như cũ trong hơn nửa năm qua, cao nhất chỉ 5,5-5,6%/năm.
Lãi suất huy động liên tục tăng đến nay đã giúp tiền gửi của người dân tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm. Tiền gửi của người dân tăng thêm 103.000 tỷ trong tháng 1 lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 1,95%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của tiền gửi dân cư trong 10 tháng trở lại đây.
Các tổ chức tín dụng dự kiến tình hình thanh khoản trong Quý II/2022 "cải thiện" ở mức độ cao hơn Quý I/2022 và kỳ vọng tiếp tục "cải thiện" trong năm 2022 so với năm 2021 đối với cả VNĐ và ngoại tệ.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất huy động một phần để giữ chân khách hàng trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác.
Áp lực tăng lãi suất đầu vào là có trong bối cảnh lạm phát và lãi suất trên thế giới có xu hướng đi lên và Việt Nam cũng không nằm ngoài diễn biến này.