Tập đoàn CGGC của Trung Quốc muốn tham gia dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ

VOH - Dự án Nhà máy đốt rác phát điện giai đoạn 2 tại Cần Thơ với vốn đầu tư khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng, có khả năng đốt 400 – 600 tấn rác mỗi ngày, với công suất phát điện từ 8-10 MW.

Chiều 28/11, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cùng, Sở TNMT, Sở Xây dựng, ủy ban nhân dân huyện Thới Lai đã làm việc với Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia (Vanza) và đối tác là Công ty TNHH cổ phần Tập đoàn China Gezhouba Group (CGGC), thành viên Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (CEEC) về việc hợp tác phát triển dự án nhà máy đốt rác phát điện giai đoạn 2 tại Thới Lai với công suất xử lý 400 – 600 tấn rác/ngày tại thành phố Cần Thơ.

z6079566458913_d85dd2e4370d3c750a3631e509075d8c

z6079563102841_6397ff11b4fdb9cc3f812c7cf2fb835b

Toàn cảnh cuộc họp của Sở Công thương Cần Thơ, các sở ngành, UBND huyện Thới Lai cùng Vanza, Công ty cổ phần Hòa Phú và CGGC.

Tại buổi làm việc, Ông Vương Lôi- Tổng giám đốc Công ty TNHH cổ phần Tập đoàn China Gezhouba Group đã giới thiệu về qui mô, năng lực ở các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn và mong muốn hợp tác với thành phố Cần Thơ phát triển  dự án Nhà máy đốt rác phát điện giai đoạn 2 với vốn đầu tư khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng. Nhà máy này có khả năng đốt 400 – 600 tấn rác mỗi ngày với công suất phát điện từ 8-10 MW, lượng điện tạo ra khoảng 64 triệu kWh/năm.

Ông Trần Quân – Giám đốc công ty đầu tư Bảo vệ môi trường Quảng Châu, Công ty thành viên của CGGC cũng đã giới thiệu về công nghệ sản xuất năng lượng sạch, các công nghệ xử lý các loại rác thải, đặc biệt là công nghệ đốt rác phát điện, công nghệ làm sạch khí thải, công nghệ sử dụng hiệu quả điện năng, sử dụng công nghệ lò đốt trực tiếp, tường lửa lắp đặt giàn ống sinh hơi để phát điện. Khói thải được xử lý khử bụi, NOx, SOx, chất độc dioxin, furan trước khi thải ra môi trường, đáp ứng yêu cầu môi trường theo luật định. Nước rỉ rác sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Các khoang chứa rác sẽ là hầm áp lực âm để hạn chế mùi hôi ra môi trường và sẽ đấu nối vào lưới điện bằng đường dây cáp điện.

Sản lượng hòa lưới điện hàng năm của công ty đạt 6 tỷ Kwh. Công ty có nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện, quy mô xử lý thiết kế tổng cộng 3.7190 tấn/ngày, nhà máy xử lý tổng hợp sinh khối  với quy mô xử lý 2.470 tấn/ngày. Công ty cũng có 4 dự án khẩn cấp chất thải y tế, hơn 30 dự án xử lý môi trường tích hợp, quy mô xử lý của nhà máy xử lý nước rỉ rác 1.7800 tấn/ngày và dự án đầu tiên ở Châu Á sử dụng khí bãi rác để tinh chế thành khí tự nhiên hóa lỏng thành công.

Ông Tạ Bá Tùng, Giám đốc Khách hàng chiến lược của CGGC tại Việt Nam cho biết, CGGC đã và đang đầu tư nhiều dự án ở Việt Nam như Nhà máy nhiệt điện than Hải Dương (công suất 1.200 MW), dự án Điện gió Ninh Thuận và Bình Thuận (công suất 70 MW), Nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng giai đoạn 1 (công suất 600 MW) và các dự án điện than, điện gió chuẩn bị thi công ở Nam Định, Đắk Lắk. CGGC mong muốn hợp tác với thành phố Cần Thơ xây dựng một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt để phát điện, góp phần bảo về môi trường, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

z6079563081768_65759caea3208012cfce7fdd96154467

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ đang tăng tốc phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giao thông, năng lượng… và đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án trên các  lĩnh vực này. UBND thành phố đã ban hành danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư; trong đó có dự án xử lý chất thải rắn số 2 tại Khu xử lý chất thải rắn ở huyện Thới Lai, ông Sử khẳng định nhu cầu xử lý rác sinh hoạt tại Cần Thơ đang rất cấp thiết.

Sở Công Thương được UBND thành phố Cần Thơ giao chủ trì, phối hợp cùng các sở ban ngành, UBND huyện Thới Lai giới thiệu với nhà đầu tư quan tâm đến dự án điện rác giai đoạn 2 này. Khu vực này có đất rộng 43ha, đã giải phóng mặt bằng và giao đất sạch để thực hiện dự án là 20ha. Hiện dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ đề xuất đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Các đơn vị liên quan đang tiến hành các thủ tục về quy hoạch, đất đai, đấu thầu để tiến hành đấu thầu dự án theo quy định trong thời gian tới. Sở Công Thương sẽ trao đổi với các sở, ngành, đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND thành phố để cung cấp thông tin về dự án cho nhà đầu tư quan tâm.

UBND huyện Thới Lai hiện đang lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án để trình UBND thành phố phê duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư theo quy định.

Hiện nay, Cần Thơ có hai nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt chính: Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB và khu xử lý chất thải rắn tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Minh Thông vận hành.

Nhà máy EB có công suất thiết kế 400 tấn/ngày nhưng hiện phải tiếp nhận trung bình 525 tấn/ngày từ năm quận, huyện của thành phố. Tương tự, lò đốt rác Đông Thắng với công suất 100 tấn/ngày đang xử lý khoảng 120 tấn/ngày từ bốn quận, huyện. Đáng chú ý, theo chủ trương đầu tư, lò đốt này sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm 2025 do hết thời gian quy định. So với tổng công suất xử lý của hai nhà máy hiện tại, Cần Thơ đang dư thừa khoảng 148 tấn rác mỗi ngày, đặt ra thách thức lớn về khả năng xử lý chất thải trong tương lai gần.

Công ty TNHH cổ phần Tập đoàn China Gezhouba Group (CGGC) là thành viên của Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (CEEC), một doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn của Trung Quốc. CGGC hiện hoạt động tại 136 quốc gia, lập 99 văn phòng chi nhánh trên thế giới, với với số lượng nhân viên nước ngoài lên đến hơn 30.000 người. Công ty này đã thực hiện 190 dự án với giá trị hợp đồng lên đến hơn 50 tỷ USD. Hiện nay, CGGC đã lọt Top 50 trong bảng xếp hạng 250 nhà thầu lớn nhất thế giới của ENR. CGGC cũng đã xây dựng hơn 5.000 công trình, trong đó có công trình Tam Hiệp.
Bình luận