Chờ...

Thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Lao động cần làm gì để có việc làm bền vững (P.3)

(VOH) - Việc đào tạo tập trung ở những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của TP.

Đào tạo và đào tạo lại cho người lao động tại nhà máy với những ngành nghề trọng điểm trong chiến lược phát triển của TP

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM vừa tổ chức các lớp bồi dưỡng và đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động tại nhà máy. Đây là những lớp ngắn hạn dành cho công nhân trực tiếp sản xuất nhằm tạo điều kiện cho họ cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, làm quen và thích ứng với sự phát triển của công nghệ, giúp gia tăng năng suất lao động.

Theo kế hoạch, việc đào tạo tập trung ở những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của TP. Bên cạnh đó, với các hình thức đào tạo này sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ người lao động qua đào tạo và thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động ngày càng cao, đặc biệt là những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.  

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết thêm về công tác đào tạo này qua nội dung phỏng vấn với Phóng viên Mỹ Trang.

* VOH: Việc bồi dưỡng và đào tạo lại trình độ tay nghề cho người lao động có phải là một trong những bước nhằm chủ động trước những thách thức ngày càng cao của yêu cầu về việc làm và sự tác động của công nghệ tự động hóa?

- Ông Nguyễn Văn Lâm: Chương trình đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân đã được UBND TP chấp thuận bằng quyết định 2567. Trong năm nay chúng tôi đã lựa chọn 10 lớp, mỗi lớp 20 công nhân để đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân ở các thành phần kinh tế trên địa bàn TP theo các nhóm ngành của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ. Mục đích của lớp này là trang bị những kiến thức mới cho các bạn đang làm việc tại các nhà máy.

Ảnh minh họa: Lao Động Thủ đô

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Nếu một dây chuyền sản xuất trước đây cần đến 13 công nhân làm trong 1 ca thì nay khi đầu tư công nghệ mới chỉ cần 1 người trong 1 ca làm việc. Cho nên trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo cần phải tiếp cận nhanh hơn nữa về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đào tạo phục vụ cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm tới đây để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội cho TP.

* VOH: Bằng cách nào người lao động có thể tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo này trong khi họ vẫn đang là công nhân trực tiếp sản xuất tại nhà máy?

- Ông Nguyễn Văn Lâm: Nhà nước sẽ chi trả lương cho thầy cô giáo để đến nhà máy dạy, nhà máy phải bố trí cho công nhân học trong ca làm việc trước đó một giờ có trả lương và người công nhân sau ca làm việc phải ở lại nhà máy từ 1-2h để học.

Như vậy là có 3 nơi cùng làm nhà nước, doanh nghiệp và công nhân để đảm bảo lớp học này. Ba bên cùng có trách nhiệm để làm việc này và mối quan hệ được hài hòa và đảm bảo về mặt lâu dài.

* VOH: Ông có kỳ vọng hình thức đào tạo này sẽ nâng được tỷ người lao động của TP qua đào tạo và năng suất lao động sẽ tăng lên khi mà đã thích ứng được yêu cầu ngày một cao hơn của việc làm?

- Ông Nguyễn Văn Lâm: Chỉ tiêu lao động qua đào tạo đạt được cao hơn là chắc chắn. Bởi vì ngoài nhà trường đào tạo thì hầu như các doanh nghiệp đều có bộ phận đào tạo lại. Và đào tạo cập nhật cho công nhân giống như sở, ngành làm nhưng họ làm trong nội bộ nhà máy và không có cấp chứng chỉ, bậc thợ.

Như vậy qua lớp đào tạo tại nhà máy theo kế hoạch sẽ có cấp chứng chỉ cho công nhân. Đây cũng là một trong những điều kiện cần để người công nhân được nâng lương, nâng bậc thợ. Năng suất lao động từ đó chắc chắn cũng tăng cao hơn. Họ sẽ cải tiến được phương pháp làm việc trên cơ sở cập nhật kiến thức về mặt khoa học thì sẽ cải tiến được thiết bị làm việc, từ đó năng suất lao động sẽ tăng.

* VOH: Để không phải tốn chi phí và công sức đào tạo lại thì nên chăng cần phải có sự đầu tư và nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Lâm: Với trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM, tôi sẽ tham mưu cho UBND TP triển khai nhiều biện pháp hơn nữa, tổ chức nhiều lớp học hơn nữa để cho công nhân đang làm ở các nhà máy cập nhật kiến thức.

Cập nhật kiến thức cho các thầy cô giáo đang làm nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp ở các trường phải gắn giáo trình với thực tiễn của nhà máy để phù hợp với thực tiễn, tránh việc đào tạo lại gây hao tốn cho xã hội.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho TP về kế hoạch đầu tư công để đầu tư những thiết bị dạy nghề tiên tiến cho các trường, cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp để theo kịp với tốc độ phát triển bên ngoài. Mục đích là giúp cho sinh viên học sinh khi ra trường không bở ngỡ.

Việc thứ hai là giao cho các trường tổ chức dạy 30% lý thuyết, trong đó có cộng thêm kỹ năng mềm như ISO, 5S, văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp liên kết với nhà trường tham gia xây dựng giáo trình, 70% sinh viên thực hành thực tế ở nhà máy. Có như vậy sinh viên khi ra trường sẽ đáp ứng đủ yêu cầu của nhà máy và nhà máy không phải đào tạo lại.

* VOH: Cám ơn ông!

Bài 1: Bỗng Dưng Mất Việc! 

Bài 2: Đào tạo và đào tạo lại trình độ tay nghề là nhu cầu cấp thiết!