Thách thức từ cuộc CM công nghiệp 4.0: Lao động cần làm gì để có việc làm bền vững? (P.2)

(VOH) - Chất lượng nguồn lao động đang là vấn đề được quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp hiện nay khi mà công nghệ 4.0 đòi hỏi yêu cầu trình độ  của người lao động ở mức cao hơn.

Đó là làm sao để khi đưa dây chuyền tự động hóa, công nghệ mới vào nơi sản xuất thì người lao động phải thích nghi và vận hành được. Có như vậy mới tạo ra sự gia tăng năng suất lao động và sản lượng, doanh thu.

Cách duy nhất là phải sắp xếp lại vị trí việc làm và tiến hành đào tạo, đào tạo lại kỹ năng nghề cho người lao động để họ làm chủ được công nghệ và thích ứng với sự thay đổi.

Bài 2: Đào tạo và đào tạo lại trình độ tay nghề là nhu cầu cấp thiết!

Nghe bài viết tại đây.  

Gần một năm nay, anh Huỳnh Minh Phong, dù làm công tác bảo vệ ở chợ đầu mối Thủ Đức nhưng cũng đã chủ động đăng ký đi học lên đại học hệ vừa học vừa làm của Trường Đại học Kinh tế TP. Theo anh, nếu không học, thiếu kiến thức thì sẽ bị tụt hậu, khó có thể chuyển đổi công việc hoặc duy trì việc làm bền vững.

“Bây giờ phải tranh thủ học để có kiến thức, cũng phải cố gắng. Kiến thức thì muôn hình vạn trạng, nếu mình không học, không có kiến thức thì từ từ sẽ bị tụt hậu so với người khác. Công ty cũng hỗ trợ một phần thời gian học, sắp xếp công việc cũng tương đối nhẹ để mình yên tâm đi học.” – anh Phong nói.

Lấy một ví dụ thực tế từ doanh nghiệp mình, ông Phạm Hồng Thái, Trưởng bộ phận nhân sự Công ty JUKI Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, thời gian qua chỉ với việc đưa 2 cánh tay robot vào trong 1 khâu lắp ráp sản phẩm, một phần trong kế hoạch tự động hóa, cũng giảm thiểu được gần 30 lao động cho 3 ca làm việc. Và theo lộ trình sắp tới khi công ty tiến hành tự động hóa hàng loạt dây chuyền sản xuất trong nhà máy thì yêu cầu người lao động phải có cách tiếp cận cao hơn.

Để người lao động thích ứng tốt với lộ trình này, công ty đã chủ động lên kế hoạch tổ chức những khóa đào tạo và đào tạo lại cho người lao động với các hình thức là đào tạo tại chổ và đào tạo liên kết hoặc tập huấn ngắn ngày tại Nhật Bản. Nhờ các hình thức đào tạo này mà gần như toàn bộ công nhân của công ty không phải bị chuyển đổi hay nghỉ việc.

Thông qua đó, công ty đã xây dựng được một đội ngũ công nhân lành nghề, có trình độ, năng lực góp phần xây dựng doanh nghiệp ngày một phát triển hơn. Ông Phạm Hồng Thái cho biết thêm, chỉ trong thời gian ngắn mà đã có 1.400 người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, trong đó có gần 400 người có trình độ từ đại học đến thạc sĩ.

“Công ty đã hỗ trợ cho các anh em về phía thời gian làm việc. Sau khi đào tạo xong thì thông qua bằng cấp, tay nghề mà các Sở, ban ngành, của các trường thì công ty có thêm một khoảng tiền là trợ cấp tay nghề. Qua đó công nhân cũng yên tâm hơn về công tác học hỏi, đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề của mình.” – ông Thái cho biết thêm. 

Ảnh minh họa: TTO.  

Còn theo chia sẻ của bà Trương Bích Đào, Giám đốc Nhân sự của Nestlé thì công nghệ dù có hiện đại đến đâu cũng đều do con người làm ra. Và để vận hành, thích ứng tốt thì con người phải làm chủ công nghệ đó. Song muốn làm chủ thì phải có kiến thức, phải có trình độ tay nghề lẫn chuyên môn. Do đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cơ hội và thách thức đan xen nhau. Để hạn chế và vượt qua thách thức đó chỉ có duy nhất là trình độ, là năng lực, là kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu và nhận diện được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì thì mới có thể thích ứng tốt được nó.

Cũng theo bà Trương Bích Đào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện diện mỗi ngày trong mọi hoạt động của doanh nghiệp và trong cuộc sống của người lao động. Ví dụ như doanh nghiệp thực hiện giao dịch bằng thương mại điện tử, bán và mua hàng online, sử dụng điện thoại thông minh để đặt hàng, để kết nối với bạn bè, người thân…Và thực tế hơn là khi vận hành  một chiếc máy may cũ so với vận hành một chiếc máy may công nghiệp kỹ thuật số là một khoảng cách rất xa.

Như vậy, để giải quyết những vấn đề khó khăn đó thì phải đào tạo và đào tạo lại theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người lao động tại chính nhà máy, đặc biệt là sự tương tác giữa người và máy. Người lao động cần tích cực tìm hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn nghề nghiệp nhằm có kế hoạch thích nghi. Và việc không thể thiếu trong lúc này đó là tham gia các khóa đào tạo kỹ năng, tay nghề, rèn luyện thể lực, cường độ và năng suất lao động nhằm rèn luyện các loại kỹ năng cần thiết và cập nhật thông tin để thích nghi với điều kiện lao động mới.

Bà Trương Bích Đào, cho hay: “Tất cả những cái đó là thách thức đối với doanh nghiệp và thách thức của  doanh nghiệp đi xuống trở thành thách thức của người lao động. Làm sao có thể đáp ứng kịp thời những nhu cầu của kinh doanh mới. Vì vậy người lao động phải nâng cấp trình độ của mình, sự hiểu biết của mình kịp thời với sự thông minh nhân tạo đó. Nếu không thì chúng ta bị đào thải, thua trong các cuộc cạnh tranh. Đó là lý do tại sao trong công ty chúng tôi luôn tìm cách đào tạo cho nhân viên. Trong công có tổ chức những lớp học mà bất kỳ nhân viên nào ngồi ở đâu cũng đều có thể tham gia được lớp học đó.”

Cũng nhận diện được thực trạng trên, thời gian gần đây, nhiều lớp học, bồi dưỡng trình độ, kiến thức, tay nghề cho người lao động trực tiếp sản xuất tại nhà máy đã được tổ chức. Việc lần đầu tiên Liên đoàn Lao động TP phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP tổ chức lớp đại học hệ vừa làm vừa học cho công nhân là một điển hình rõ nét nhất trong chủ động tạo điều kiện cho người lao động  học tập nâng cao trình độ, để có việc làm bền vững.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP, cho biết: “Điều đó xuất phát từ chuyện thay đổi quan hệ lao động, về vấn đề việc làm. Có thể nói cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm biến đổi sâu sắc về phương thức sản xuất , về nhu cầu việc làm, về yêu cầu đối với việc làm. Như vậy, đối với tổ chức công đoàn, với tư cách người đại diện bảo vệ chăm lo quyền lợi hợp pháp chính đáng của công nhân, người lao động thì chúng tôi phải ứng phó với điều kiện mới này. Đó là vấn đề thất nghiệp, điều chuyển lao động giữa các lĩnh vực, các địa bàn, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề đào tạo để chuyển đổi công việc…”

Như vậy, nếu làm tốt được công tác đào tạo và đào tạo lại trình độ, tay nghề, kỹ năng làm việc thì người lao động có quyền tin tưởng về một việc làm bền vững và có thu nhập cao, không còn cảnh bỗng dưng bị mất việc vì sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bài 1: Bỗng Dưng Mất Việc! 

Bình luận