Thạch tín hữu cơ trong nước mắm an toàn với sức khỏe

(VOH) - Là ai - bạn cũng sẽ nhảy dựng lên vì thông tin “nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng quy định”. Tuy nhiên, chuyên gia về công nghệ thực phẩm khuyên người tiêu dùng hãy bình tĩnh, tìm hiểu thêm thông tin xem, nếu dùng nước mắm chứa thạch tín có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Ảnh minh họa: nuocmamphuha

Thạch tín trong nước mắm là “thạch tín hữu cơ”

Thạch tín có hai loại vô cơ và hữu cơ. Trong khi thạch tín vô cơ có độc tính mạnh gấp 4 lần thủy ngân, thì thạch tín hữu cơ (có nguồn gốc từ các loài cá, hải sản, và trong một số mẫu nước mắm) hầu như không có độc tính và nhanh chóng đào thải khỏi cơ thể con người.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thạch tín hữu cơ tồn tại trong các loại thực phẩm như gạo, rau quả, các loại hải sản, trong đó có cá biển, nguyên liệu dùng để sản xuất nước mắm độ đạm cao.

Còn theo Cơ quan Y tế Virginia, Mỹ, thạch tín hữu cơ không tích tụ trong cơ thể người, mà tự đào thải trong một hoặc hai ngày, hầu như không gây độc tới cơ thể. Vì vậy, Mỹ không đặt ra bất cứ giới hạn nào cho hàm lượng thạch tín hữu cơ trong thực phẩm.

Do chưa hiểu rõ nên chỉ nhắc đến thạch tín nhiều người đã nghĩ ngay tới sự độc hại của thạch tín vô cơ. Thực tế, theo WHO, thạch tín vô cơ là một thành phần tự nhiên của vỏ trái đất. Con người vẫn đang tiếp xúc với thạch tín vô cơ thông qua uống nước bị ô nhiễm, nước tưới cho cây lương thực bị nhiễm và quá trình ăn uống thực phẩm ô nhiễm hay tiếp xúc với thuốc lá.

Khi tiếp xúc lâu dài với thạch tín vô cơ có thể gây ung thư và tổn thương kèm theo bệnh tim mạch, nhiễm độc thần kinh và bệnh tiểu đường…

Nước mắm vẫn được xuất khẩu rần rần

Theo thống kê, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu nước mắm, đạt khoảng 11.300 tỷ đồng trong năm 2015. Lượng nước mắm xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Á, Mỹ, Úc chỉ chiếm khoảng từ 3 – 5% nhưng mang về cho đất nước khoảng 15 triệu USD/năm.

Riêng tại Phú Quốc, hiện có hơn 80 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, cung cấp cho thị trường khoảng 30 triệu lít nước mắm Phú Quốc/năm. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, từ tháng 7/2013, nước mắm Phú Quốc được EU trao chứng nhận về tên gọi xuất xứ (PDO) “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ) – đồng nghĩa với việc nước mắm Phú Quốc được bảo hộ - buôn bán tại thị trường 28 nước EU.

Đến nay đã có 5 doanh nghiệp nước mắm tại Phú Quốc đủ điều kiện an toàn thực phẩm xuất khẩu vào EU, sản lượng xuất khẩu vào thị trường này cũng tăng mạnh so với trước.

Hiện nay, quy định về nước mắm làm từ cá của các nước trên thế giới và cả đề nghị của Ủy ban Codex (của WHO và FAO) chỉ quy định về độ đạm tổng, độ pH, độ mặn, histamin, độc tố sinh học biển… nhưng không có quy định về tỉ lệ thạch tín hữu cơ.

Trong một khảo sát của tạp chí Food Chemistry (2008) về hàm lượng arsen có trong nước mắm sản xuất ở Việt Nam và Thái Lan xuất khẩu sang Áo cho thấy, tổng arsen chỉ từ 0,69-2,75 mg/l, trong đó 82-94% là arsenobetaine, một dạng arsen hữu cơ không độc hại.

Điều này cho thấy, việc nước mắm chứa thạch tín hữu cơ là có nhưng ngay cả với những nước châu Âu có quy định ngặt nghèo về chất lượng sản phẩm mà không “đá động" đến nguy cơ sức khỏe của thạch tín hữu cơ thì chúng ta có lí nào lại phải quá lo lắng về câu chuyện chưa ngã ngũ này.

Theo nghiên cứu của Công ty Kantar Worldpanel, 95% gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm trong các bữa ăn, trung bình một người dân Việt Nam sử dụng 4 lít nước mắm/năm. 

Nước mắm truyền thống đi vào bữa ăn người Việt tự nhiên và không thể thay thế như vậy, cho nên trước khi quyết định đổ đi hay “trả lại” nhà sản xuất...người tiêu dùng cần có cái nhìn thấu đáo về tất cả những điều chưa ngã ngũ mà mình được nghe và chờ xem đằng sau câu chuyện nước mắm này là điều gì?

Bình luận