Điển hình như vụ chuyển nhượng đầu tháng 6 của giới chơi lan với giò phong lan phi điệp đột biến mang tên “Người đẹp Bình Dương” có giá gần 10 tỷ đồng. Hay đầu tháng 7, thương vụ bán một kie của giò “Huyền thoại bướm đại ngàn” được thực hiện với giá 15 tỷ đồng và “khủng” hơn nữa là hình ảnh chậu lan Juliet đột biến cao gần 30cm được định giá gần 90 tỷ đồng. Xung quanh giá trị thực của giống lan đột biến, Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp có nội dung trao đổi với phóng viên VOH:
* VOH: Thưa ông gần đây thị trường lan đột biến rất sôi động bởi các cuộc giao dịch hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng, nhiều người từ việc hiếu kỳ đã tìm đến và đầu tư vào giống cây trồng này. Ông có thể cho biết lan đột biến đích thực là như thế nào?
Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm: Đột biến là hiện tượng xảy ra rất thường xuyên trong tự nhiên, Đây là phương thức mà tiến hóa của cây trồng, vật nuôi trong sinh giới. Thế thì, các đột biến của lan cũng không phải là chuyện lạ. Có thể đột biến ở lúa, ngô, khoai và tất cả các cây trồng vật nuôi là thường xuyên xảy nhưng có thể là một cái đột biến nào xảy ra ở cây hoa lan và nó tạo nên một cái hình dạng đặc thù, một màu sắc đặc thù, mà trước đó không có thì nó trở nên hiếm và quý.
Ảnh minh họa: PN
* VOH: Những yếu tố nào quyết định giá trị của lan đột biến?
Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm: Đối với hoa cây cảnh thì nó rất dễ. Chẳng hạn, chúng tôi chọn tạo giống lúa, giống đậu tương, giống ngô bằng đột biến thì chúng tôi phải gây tạo đột biến. Như lúa chẳng hạn, chúng tôi phải chọn theo 54 tiêu chí, đậu tương và ngô cũng thế, phải 54 chỉ tiêu, hơn 50 chỉ tiêu hợp với mục đích chọn giống của mình thì mới được chọn lọc. Thế nhưng, đối với cây hoa, cây cảnh lại khác: có màu sắc khác đi, có hình dạng kỳ khác đi, có kiểu dáng lá khác đi ... thì nó đã là một giống mới, được coi là một sản phẩm đột biến hiếm có rồi. Vì thế cho nên lan đột biến như chúng ta nói cũng chẳng qua chỉ là một cái giống lan nào đó được đột biến một vài tính trạng như: màu sắc hoa, kiểu dáng hoa, kiểu dáng cây mà thôi. Tôi cho rằng, ở đây cũng không có gì là quá mới lại cả.
* VOH: Nhiều ý kiến cho rằng, lan đột biến sở dĩ có giá cao là vì cây rất hiếm và khó trồng, cũng như không thể nhân giống theo kiểu cấy mô với số lượng lớn. Thực tế như thế nào ạ?
Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm: Tôi cho rằng hoàn toàn không phải. Bất kỳ một tính trạng đột biến nào đều có thể nhân ra được. Hiện nay, công nghệ nuôi cấy mô có thể giải quyết được tất cả các vấn đề đó. Từ một dạng đột biến ban đầu, nó là quý hiếm nhưng nó chỉ quý hiếm được vài ba năm thôi. Sau đó, người ta có thể nuôi cấy mô và nhân ra hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu cây.
Tôi vẫn nghe nói người này người kia bán cho nhau lan đột biến hàng tỷ đồng thậm chí hàng chục tỷ đồng, gần trăm tỷ đồng, thì tôi cho rằng là phi lý. Nếu một loại hoa đột biến mà nó có khả năng là nhân ra hàng loạt và chiếm lĩnh thị trường, thì ai đó có thể mua bản quyền với giá rất cao để nhân ra và tổ chức công nghiệp sản xuất hoa để người ta bán. Còn những cây lan mà tôi thấy ở trên mạng, trên youtube tôi thấy nó đột biến đó, đúng là có màu sắc lạ hơn nhưng thực ra cũng hoàn toàn bình thường. Cái này hoàn toàn còn xa với việc phát triển cây công nghiệp sản xuất lan. Vì thế, giá trị của nó như là các phương tiện trên mạng vẫn nói là từ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, tôi cho là phi lý.
* VOH: Những cuộc giao dịch với giá trị hàng tỷ, hàng chục tỷ có thể hiện đúng giá trị của hoa lan đột biến hay có những yếu tố gì phía sau?
Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm: Tôi cho rằng có điều gì đó bí ẩn đằng sau các hiện tượng này. Có thể đây là một việc làm giá. Rồi sau đó chính những cái người tổ chức bán mua đỏ sẽ lại bán một số lượng rất lớn giống hoa như thế.
* VOH: Ông có lời khuyên như thế nào với những người chơi làn, bà con nông dân quan tâm lĩnh vực hoa lan đột biến?
Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm: Chúng ta rất nên thận trọng. Chúng ta đã có kinh nghiệm rất nhiều về chó Nhật những năm 90 của thế kỷ trước, rồi sau đó thì cũng có kinh nghiệm về cây sanh cảnh. Nước ngoài cũng đến mua rất nhiều và sau đó thì chính họ bán lại. Cây lan cũng có thể xảy ra trường hợp như thế, cho nên chúng ta phải rất thận trọng, để không bị mắc lừa.
* VOH: Trân trọng cảm ơn ông!
Tuyết Nhung (ghi nội dung)
Giá cả thị trường hôm nay 13/08/2020: Cà rốt 25 ngàn đồng một kg: Cà rốt được bán với giá 25.000 đồng/kg tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh).
Giá gas hôm nay 13/08/2020: Tiếp đà giảm, hàng tồn kho Mỹ vẫn tăng cao: Giá gas ngày 13/8 tiếp tục giảm sau khi đã giảm ở phiên trước đó, giá khí đốt tiếp tục giảm khi số hàng tồn kho của Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng.