Trong thời gian chờ kết quả đấu thầu, các đơn vị được gia hạn hợp đồng mua bán đã ký kết với các nhà thầu đến hết tháng 12/2016 và phải đàm phán lại giá thuốc cho hợp lý. Dù dự trù làm trước cả năm nhưng kết quả đấu thầu vẫn rất trễ vì qua rất nhiều khâu thủ tục, đánh giá, xét duyệt … mất rất nhiều thời gian.
Năm 2016, Sở Y tế đã làm việc cùng với Sở ngành, Bảo hiểm y tế, đề xuất với Ủy ban Nhân dân TP giá bỏ thầu mặt hàng thuốc của các doanh nghiệp cung ứng thuốc không được chênh lệch quá 5% giữa các cơ sở y tế.
Hiện nay, nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, bà Lan cho rằng đấu thầu vẫn chưa phải là hình thức lý tưởng nhất để cung ứng thuốc cho các bệnh viện.
"Nếu nói về góc độ chuyên môn tôi phản đối đấu thầu! Đây cũng không phải là biện pháp duy nhất. Hãy nhìn các bệnh viện tư nhân, họ cũng khám chữa bệnh, kí kết với Bảo hiểm y tế, nhưng không chọn hình thức đấu thầu. Trong Luật đấu thầu chúng tôi đã đấu tranh để có hình thức đàm phán giá, giúp công khai, minh bạch hơn. Đây là hình thức mà hội đồng sẽ ngồi bàn, tranh luận để chọn ra khung giá, sau đó các bệnh viện chọn mua thuốc thấp hoặc bằng khung giá đó, nếu ở vùng sâu xa thì sẽ cộng thêm khoản phí vận chuyển vào khung giá thuốc được chọn, bà Lan cho biết.
Năm 2016, Sở Y tế TP chuyển đổi mô hình từ đấu thầu thuốc tập trung sang mô hình đấu thầu thuốc riêng lẻ và tổ chức đấu thầu tập trung 178 thuốc tân dược với kinh phí theo giá kế hoạch dự trù trên 9.500 tỉ đồng. Các bệnh viện sẽ tự tổ chức đấu thầu riêng lẻ đối với toàn bộ thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu và tất cả thuốc tân dược mà Sở Y tế không tổ chức đấu thầu tập trung.