Thanh toán điện tử giúp minh bạch nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm

(VOH) - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Kim Anh, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018.

“Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế” – Đây là lợi ích được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận tại hội thảo xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam diễn ra sáng 11/6 do Ngân hàng Nhà nước phối hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Kim Anh, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Theo đó, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỉ đồng, gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỉ đô la Mỹ/ngày, tăng trưởng 25% so với năm 2017. Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

Các khách mời chia sẻ về lợi ích của thanh toán điện tử

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011. "Chính phủ các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử, bởi những lợi ích cơ bản. Cụ thể như tiết kiệm thời gian chi phí và độ an toàn cao hơn cho người tiêu dùng. Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt" -  Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết.

Thanh toán trên di động 

Với Chính phủ, thanh toán điện tử giúp tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm. Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết tiền điện tử trên thuê bao di động là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công.

Tiền di động nhằm cung cấp cho những người chưa có tài khoản ngân hàng và cung cấp qua thiết bị di động với tính năng cung cấp các dịch vụ chuyển khoản, thanh toán, lưu trữ tiền… Trên thế giới, tính đến cuối năm 2018, tiền di động đã có mặt ở 90 quốc gia với hơn 860 triệu tài khoản đã đăng ký. Khách hàng thường xuyên sử dụng tiền di động chi tiêu trên là 200 đô la Mỹ/tháng. Ước tính bình quân mỗi ngày có 1,3 tỉ đô la Mỹ được ngành công nghiệp tiền di dộng xử lý.

“Hiện nay có 130 triệu thuê bao, số liệu này cao hơn rất nhiều so với tài khoản ngân hàng. Tôi nghĩ là hơn gấp đôi tài khoản ngân hàng, do đó người dùng có thể nạp tiền rút tiền tại mạng lưới của các đại lý, khi mà đại lý mạng di động được cung cấp dịch vụ này, thì mạng lưới phân phối của họ rất rộng lớn, đặc biệt đến vùng sâu vùng xa, những người không có điều kiện được mở tài khoản ngân hàng”, ông Trung cho biết.

Ở góc độ ngân hàng thương mại, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, ngân hàng luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ, tập trung nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thanh toán cho tất cả khách hàng, dịch vụ công, như phối hợp thu thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu, bao gồm tại quầy, ATM, mobile banking, internet banking tại toàn bộ chi nhánh của Vietcombank. 

"Vừa qua Vietcombank đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công cho tỉnh Quảng Ninh với hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến và hơn 8.000 các loại thuế phí cho các sở ban ngành tại Quảng Ninh. Tại 100% các quầy giao dịch của tỉnh này đều được dán mã QR Code để người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán các loại thuế, phí qua internet banking, mobile banking hoặc qua thẻ để thanh toán dịch vụ công", bà Yến thông tin.

Ngoài Quảng Ninh, Vietcombank cũng đang phối hợp với các tỉnh, thành khác như TPHCM, Hà Nội, Gia Lai, Cà Mau…để mở rộng mô hình này.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, giảm vận chuyển, kho bãi, sắm xe chuyên dùng, hiệu quả hoạt động ngân hàng tăng lên, tăng tỉ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước. “Chúng ta hướng tới một xã hội không tiền mặt, trước hết là có tiện lợi giảm chi phí cho người dân. Phụ huynh mà còn đi rất xa để nộp tiền bán trú cho con, mà thậm chí đến xếp hàng chờ rất lâu mới nộp được tiền. Rõ ràng rất bất tiện, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Tôi thấy đó là sự thuận tiện nhất tạo nên sự thuận lợi trong thương mại cho người dân, doanh nghiệp. Chúng ta có minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, của nền kinh tế, thu nhập của người dân” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.

Theo Phó Thủ tướng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành thanh toán di động của Việt Nam đã tăng trưởng 160% về giá trị năm 2018 so với năm 2017 và Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.