Thêm 4 nhà đầu tư mới “rót vốn”, vực dậy ngành đóng tàu ở Việt Nam

(VOH) - Chiều 9/2, Nhà máy sửa chữa và đóng tàu thuộc Tập đoàn Triyards - Liên doanh giữa Việt Nam và Singapore công bố có thêm 4 nhà đầu tư mới đến từ Singapore rót vốn vào Tập đoàn.

Các nhà đầu tư mới sẽ “rót” khoảng 50 triệu đô la Mỹ

Theo ông Chan Eng Yeu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Triyards, ngành dầu khí thế giới và trong nước gặp nhiều thử thách trong 3 năm gần đây, giá dầu có thời điểm giảm từ 100 đô la Mỹ xuống còn 20 đô la Mỹ. Năm 2014, Tập đoàn Triyards nhận được nhiều đơn hàng đóng các loại tàu trên thế giới như: tàu cung cấp các dịch vụ, tàu hóa chất, tàu dầu, tàu neo đậu, tàu rải ống, tàu cảng, tàu nghiên cứu khoa học…

Theo ông Chan Eng Yeu, năm 2016, tàu Lewek Constellation - tàu rải ống do Tập đoàn sản xuất, lắp ráp được thế giới đánh giá là con tàu của năm. Tập đoàn cũng đã đóng các loại tàu Liftboat – tàu tự hành lớn nhất thế giới; tàu nghiên cứu khoa học  phục vụ cho ngành dầu khí; tàu động cơ điện thế hệ mới; đóng sà lan, tàu chuyên dụng cho Chính phủ ở Đài Loan, Ấn Độ và xuất khẩu đi Trung Đông, các nước trên thế giới.

Dự kiến năm 2018, các nhà đầu tư mới sẽ rót vốn vào Tập đoàn khoảng 50 triệu đô la Mỹ để đầu tư phát triển những dự án mới như tàu du lịch, làm tàu sắt, tàu nhôm, phát triển sản phẩm về năng lượng điện gió ngoài khơi. Bình quân 1 năm, nhà máy này đóng khoảng 20 con tàu các loại và đang đóng tàu nghiên cứu khoa học cho Chính phủ Ấn Độ.

Các con tàu đang được hoàn thiện

Đóng được các loại tàu đặc biệt chuyên dụng

Đặc biệt, ngoài đóng tàu, 3 nhà máy của tập đoàn còn đóng được các loại cẩu xa bờ, cẩu chân tàu. Các loại cẩu này muốn sử dụng ngoài khơi phải có giấy chứng nhận của Viện Dầu Khí của Mỹ mới được phép hoạt động.

Ngoài đóng tàu, nhà máy này còn đóng các kết cấu thiết bị đặc biệt chuyên dụng như tháp pháo – một thiết bị gắn trên ụ nổi chứa dầu trên biển của đầu tàu, nặng 2.900 tấn, thuộc loại rất lớn trong lĩnh vực dầu khí. Tháp pháo này là một thiết bị rất phức tạp, vật liệu ngoài thép đặc biệt cấp thấp, đặc biệt cấp cao, còn có thép không rỉ; inox và nhôm rất khó hàn, chịu được nhiệt độ cao, thiết bị này có độ khó rất cao, không phải nơi nào cũng làm được.

Theo PGS.TS Võ Đại An – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Hàng Hải, hiện ngành công nghiệp đóng tàu được đánh giá là ngành rất quan trọng phục vụ đất nước. Ngành này đòi hỏi đầu tư rất cao và rất cần Nhà nước đặc biệt quan tâm có chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo thành sức mạnh phòng thủ trên biển, tạo ra một đội tàu mạnh phục vụ cho vận tải, đi lại của nhân dân như du lịch, đánh cá, thậm chí là xuất khẩu. Việc đóng tàu cũng có tác động liên đới đến ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, sản xuất thép đóng tàu, chế tạo, lắp ráp thiết bị, máy móc cơ khí thủy...

Từ năm 2018 trở đi, hàng loạt công ước Quốc tế lĩnh vực hàng hải áp dụng cho tàu biển sẽ quy định khắt khe hơn, theo hướng nâng cao an toàn, ưu tiên sử dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải biển sẽ phải đầu tư, nâng cao năng lực, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cho đội tàu.