Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới

(VOH) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế...

Trải qua 20 năm, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán là hơn 1.600 công ty, với khối lượng chứng khoán là 150 tỷ chứng khoán. Mức vốn hóa của thị trường tính đến ngày 31/10/2019 đạt 5.686.846 tỷ đồng, chiếm gần 103% GDP, qua đó, thể hiện vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nền kinh tế.

Cụ thể, thị trường chứng khoán đã giúp đẩy mạnh công tác cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, qua đó, góp phần tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán không chỉ giúp chuyển đổi các doanh nghiệp sang mô hình hoạt động có tính tự chủ, linh hoạt, hướng tới hiệu quả, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán TPHCM chính thức hoạt động và khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của thị trường chứng khoán (20/7/2000 - 20/7/2020), VOH phỏng vấn ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – Trần Văn Dũng

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – Trần Văn Dũng.

*VOH: Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 20 năm hình thành và phát triển đã khẳng định được vai trò trong việc điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng vào việc cải thiện tính công khai, minh bạch của cả nền kinh tế. Ông cho một vài đánh giá về kết quả của thị trường này sau hai mươi năm hoạt động?

- Ông Trần Văn Dũng: 20 năm qua, thị trường chứng khoán có những bước phát triển mạnh và hoàn thiện không ngừng. Có thể nói, từ những giao dịch ban đầu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM thì hiện nay chúng ta đã có thị trường cổ phiếu kể cả TPHCM và Hà Nội. Chúng ta có thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường Chứng khoán Phái sinh.

Quy mô thị trường Chứng khoán Phái sinh, quy mô của thị trường cổ phiếu tăng rất mạnh, đến giờ thì quy mô khoảng 60-70% GDP. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được ưu thế thị trường chứng khoán để huy động vốn và phát triển, chúng ta đã hình thành được các doanh nghiệp hàng đầu có sức ảnh hưởng rất lớn trong nền kinh tế. Chính phủ thông qua thị trường chứng khoán, đã huy động rất hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Chưa bao giờ, Chính phủ chủ động được nguồn vốn như trong giai đoạn hiện nay.

Sự đóng góp của thị trường chứng khoán, chúng ta có thể nhìn thông qua sự minh bạch của thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp khi đã lên niêm yết trên thị trường chứng khoán thì công bố thông tin một cách hiệu quả hơn, ngày càng chất lượng, áp dụng tốt hơn các thông lệ quản trị công ty tốt, do đó chất lượng hoạt động của doanh nghiệp được nâng lên đáng kể.

Chúng tôi thấy rằng, thị trường chứng khoán 20 năm qua, đóng góp đáng kể vào công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm 2005 đến nay, tất cả doanh nghiệp cổ phần hóa ở quy mô lớn đều được đấu giá qua thị trường chứng khoán thành công, điều đó thay đổi cả cơ cấu nền kinh tế. Sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là nền tảng, cơ sở để cho Đảng, Chính phủ quyết định chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, từ mô hình chúng ta dựa nhiều vào doanh nghiệp nhà nước sang một mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào nền kinh tế tư nhân.

*VOH: Về chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán hiện nay, ông nhận định thế nào?

- Ông Trần Văn Dũng: Chất lượng của các doanh nghiệp trên sàn thì thứ nhất, thể hiện ở quy mô, thứ hai là khả năng lợi nhuận, thứ ba là tính minh bạch, thứ tư là quản trị rủi ro. Chúng ta thấy trong 20 năm qua, tất cả các khía cạnh này của doanh nghiệp đều có cải thiện.

Về mặt quy mô, chúng ta thấy trước đây mấy doanh nghiệp niêm yết còn nhỏ, gần đây quy mô doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều. Chúng ta có khoảng 22, 23 doanh nghiệp mà có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la Mỹ.

Thứ hai, doanh nghiệp trước đây khi chưa lên sàn, khi công bố thông tin, phải nói là chưa được đầy đủ, minh bạch nhưng từ khi lên thị trường chứng khoán, việc công bố thông tin ngày càng cải thiện, thực hiện cách đều đặn và có chất lượng hơn.

Thứ ba, khi doanh nghiệp lên sàn thì các niêm yết bắt buộc phải được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán đã được chấp thuận và rất nhiều doanh nghiệp thông qua việc công bố thông tin, áp dụng kiểm toán thì họ thấy rằng hiệu quả của việc minh bạch rất hiện hữu.

Do đó, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay còn xung phong áp dụng cả chuẩn mực kế toán quốc tế ngay trong thời gian tới, ví dụ như Vinamilk.

Cuối cùng, về chất lượng quản trị doanh nghiệp, phải nói rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang có bước tiến về quản trị doanh nghiệp dù so với tầm khu vực chúng ta thấy còn dưới 50% số doanh nghiệp niêm yết chưa đạt được các chuẩn về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Nếu chúng ta nhìn thấy ở giai đoạn đầu, quản trị doanh nghiệp rất thấp và đến giai đoạn này xấp xỉ 50% doanh nghiệp đã đạt chuẩn, thì đây là bước tiến rất lớn.

* VOH: Về triển vọng và mục tiêu sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông dự báo thế nào?

- Ông Trần Văn Dũng: 20 năm qua, giai đoạn phát triển ban đầu tương đối thành công thì giai đoạn tiếp theo, thị trường chứng khoán phát triển sâu hơn nữa về chất để khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân. Chúng ta thấy rằng, hiện nay đã có những cơ sở chắc chắn để trông chờ sự phát triển của thị trường chứng khoán 10-20 năm tới.

Trước hết, chúng ta có Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Thứ hai, đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại các Sở Giao dịch Chứng khoán, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam để chuyên nghiệp hóa các thị trường chứng khoán TP.HCM và Hà Nội.

Thứ ba, các cơ sở của nhà đầu tư đã tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam trưởng thành nhiều, nổi bật, do đó, sự tham gia của các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế sẽ rất tích cực. Đây là nền tảng chúng tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển vượt bậc và sẽ đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

*VOH: Cảm ơn ông