Thiếu quy hoạch vùng nuôi chim yến

(VOH) - Ngày 26/12, tại TPHCM, Trung tâm Khuyến nông Quôc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Phát triển bền vững ngành yến ở các tỉnh, thành phía Nam.

Tại diễn đàn, một số vấn đề khó khăn, thách thức cho ngành yến được nêu ra như số lượng nhà yến, sản lượng yến chưa đầy đủ, rõ ràng, thị trường xuất khẩu tiểu ngạch, thiếu quy hoạch vùng nuôi, quản lý, kiểm soát dịch bệnh chim yến...

Theo Cục Chăn nuôi số lượng nhà yến ở nước ta hiện khoảng hơn 14.000 nhà, trong đó, vùng Tây Nam bộ chiếm 33% số lượng nhà yến, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2017. Sản lượng tổ yến khoảng 68 tấn, xuất khẩu chủ yếu sang Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand... Giá thu mua yến chất lượng loại A hiện khoảng 25 triệu đến 30 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng nhà yến có thể đến 30.000 nhà, gấp 2 lần so với báo cáo và sản lượng tổ yến cũng đạt từ 116 tấn đến gần 200 tấn, với giá trị gần 3.000 tỷ đồng, khoảng 125 triệu đô la Mỹ.

Toàn cảnh Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp 

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết nuôi yến ở nước ta đã và đang phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn, như nuôi tự phát, phong trào, chưa có định hướng dài hạn, quản lý điều kiện dẫn dụ chim yến còn thiếu quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính chim yến, các chuỗi sản xuất sản pẩm ngành yến bước đầu mới hình thành nhhưng chưa thống nhất với nhau về mục tiêu chung và phát triển ngành hàng yến sào, chưa có các quy trình phòng chống dịch bệnh, quy cách chọn chuồng trại dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, các kiến thức hiểu biết về chim yến vẫn còn hạn chế với người dân, rất nhiều trường hợp đầu tư nhà yến hàng tỷ đồng mà không dẫn dụ được hoặc dẫn dụ rồi yến lại bỏ đi, việc xuất khẩu yến thô và phát triển nuôi yến tự phát đang làm giảm giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu của ngành yến tại Việt Nam.

Các chuyên gia cũng trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp để quản lý, phát triển chim yến bền vững, giới thiệu các quy trình, điều kiện xuất khẩu yến sào từ Việt Nam sang Trung Quốc, vấn đề xúc tiến thương mại ở Trung Quốc, chiến lược nâng cấp và mô hình liên kết chuỗi giá trị yến sào Việt Nam, kinh nghiệm phát triển ngành yến của Indonesia và Malaysia, vấn đề dẫn dụ chim yến, nơi ở, thức ăn cho chim yến...

Hiện ngành yến Việt cũng có một số tiến bộ như sinh sản nhân tạo được yến con, sản xuất thức ăn nhân tạo cho nuôi yến... Tổ yến chế biến tinh có giá trị cao gấp mấy lần yến thô. Triển vọng phát triển nghề nuôi yến ở nước ta còn rộng mở, nhất là thị trường Trung Quốc đang chuẩn bị cho nhập khẩu chính ngạch tổ yến từ Việt Nam trong năm 2020. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 100 tấn tổ yến có chứng nhận tem nguồn gốc từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, với giá khoảng 5.000 đến 6.000 đô la Mỹ/kg.