Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương đề xuất xử lý nhiều vấn đề chiến lược

(VOH) - Sáng 17/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, năm 2019, Ban đã đăng ký và được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng 8 đề án lớn. Đến nay cả 8 đề án đều đã được hoàn thành. Trong đó, Bộ Chính trị đã thông qua 6 đề án và ban hành 2 nghị quyết, 3 kết luận, 1 nghị quyết đang trình để ban hành. Đây là những đề án quan trọng làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội về các vấn đề như nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Năm 2019, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế-xã hội được Ban Kinh tế Trung ương chú trọng triển khai để kịp thời nắm bắt thực tiễn, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế-xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đảng ta đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Với tư duy đó, Ban Kinh tế Trung ương đã đồng hành với Chính phủ trên mặt trận kinh tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương sau 7 năm tái lập, đặc biệt, năm 2019 hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

“Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp chiến lược, đề xuất trình Bộ Chính trị ban hành nhiều chủ trương chính sách lớn, quan trọng về kinh tế-xã hội. Công tác phối hợp, hợp tác với Chính phủ thời gian qua có sự thống nhất cao, từ nhận thức đến hành động, từ chủ trương đến thực tiễn, từ nghị quyết của Đảng đến nghị quyết của Chính phủ, không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hay “ông nói gà, bà nói vịt”, đồng thời không nhầm lẫn chức năng, nhiệm vụ giữa Ban Xây dựng Đảng và Chính phủ. Ý kiến của các đồng chí đã thể hiện quan điểm rõ ràng, có trách nhiệm với chất lượng tốt, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư có cơ sở xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng trước khi ban hành nghị quyết về kinh tế xã hội của đất nước”, Thủ tướng phát biểu.

Nêu bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục có biến động khó lường, những thách thức và thuận lợi đan xen đối với sự phát triển của đất nước thời gian tới, Thủ tướng cho rằng các ban xây dựng Đảng, đặc biệt là Ban Kinh tế cùng các bộ, ban, ngành và Chính phủ cần đoàn kết cùng vượt khó, phối hợp tốt hơn nữa để đưa đất nước tiến lên.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Trong đó, về vấn đề kinh tế-xã hội, Thủ tướng nêu nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển hiện nay là thể chế, nút thắt về tư duy.

“Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế cũng vẫn là thể chế cũ, là “bình mới rượu cũ”, không thể có đột phá. Những tư duy mới của Đảng ta về xây dựng kinh tế trong thời kỳ mới có dấu ấn lớn mà Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trong thời gian qua phải được tiếp tục phát huy. Trước đây chúng ta có Khoán 10, Chỉ thị 100 trong nông nghiệp. Gần đây là Nghị quyết 10, 11, 12, 52 và một số nghị quyết ban hành năm 2019 là những gì được gọi là đổi mới tư duy về kinh tế, một điều hết sức quan trọng đối với nước ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tinh thần chung là phải chủ động tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019. Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, bám sát thực tiễn với tinh thần tích cực chủ động sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy, dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hiện thực hóa các đề xuất, kiến nghị của Ban thành nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư. Những đề xuất xây dựng các chương trình chiến lược, các đề án cũng như góp ý cho những văn bản quy phạm pháp luật cần hướng đến mục tiêu chất lượng cao hơn, mang tầm chiến lược, sát với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời đại công nghệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất vấn đề mang tầm chiến lược mà chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh mẽ ngay trong năm 2020, chẳng hạn như biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu và cuộc sống của con người. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vậy mô hình kinh tế nào có thể giúp chúng ta hạn chế và giảm thiểu các tiêu cực từ biến đổi khí hậu? Chúng ta đã có nhiều mô hình tốt nhất cho những vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu như Tây Nam Bộ nhưng chưa phải là tất cả.

Về công nghiệp hóa, đây là điều kiện căn bản để hiện đại hóa đất nước tự cường về kinh tế và đem lại phúc lợi cho người dân, giai đoạn tới cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa thế nào, nhất là trong cam kết chống biến đổi khí hậu của nước ta với thế giới. Chúng ta nói nhiều đến chuyển giao công nghệ và gần đây nói đến sản xuất tại Việt Nam và sản xuất bởi Việt Nam. Cụ thể các chính sách đó là gì? Song song với chiến lược công nghiệp hóa thì bài toán tiếp theo là xây dựng và triển khai chiến lược FDI mới phù hợp với tình hình quốc tế để phục vụ hiệu quả đường lối công nghiệp hóa mà chúng ta lựa chọn.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề nước ta là một quốc gia biển với 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Như vậy, nền kinh tế không chỉ phát triển theo hướng bền vững mà còn phải gắn chặt với tài nguyên biển. Do đó, đường lối phát triển kinh tế biển như thế nào để tận dụng được tiềm năng kinh tế biển rất lớn của nước ta?

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần đặt vấn đề tận dụng được cơ cấu dân số vàng cho phát triển: “Có cách nào để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tầng lớp trung lưu để tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng tạo động lực phát triển mạnh mẽ đất đất nước?”, hay những nghiên cứu, đề xuất để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về mô hình đặc khu kinh tế, Thủ tướng đặt vấn đề mô hình này đã giúp nhiều quốc gia vươn lên và nhanh chóng tham gia các nhóm quốc gia công nghiệp phát triển. Thời thế mới thì các mô hình đặc khu sẽ như thế nào? Có mô hình nào mà chúng ta có thể áp dụng để tìm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của nước ta? Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Chúng ta tiếp tục làm không? “Những mô hình thế giới, khu kinh tế, khu công nghiệp, những đặc khu kinh tế là những mô hình mà chúng tôi nghĩ rằng phải tiếp tục nghiên cứu tốt hơn. Ban Kinh tế sẽ giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Chính phủ tiếp tục phối hợp xử lý vấn đề này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định đề án, dự án, đề cao tính khoa học khách quan, phản biện. Cùng với đó là nâng cao chất lượng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những bất hợp lý trong thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy sự phát triển. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban cán sự Đảng, Chính phủ cụ thể hơn, hàng quý đều phải có sơ kết rút kinh nghiệm.

Nhắc đến những dự thảo văn kiện quan trọng mà các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII đang xây dựng, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chủ động tích cực tham gia đóng góp cả về lý luận, thực tiễn, phát triển nhân tố mới, những mô hình tốt, đúc kết kinh nghiệm tốt, đóng góp thiết thực của việc chuẩn bị cho Đại hội nói chung, trong đó có việc hoàn thiện các văn kiện của Tiểu Ban Kinh tế-Xã hội.

Bình luận