Thực phẩm sạch không thể có giá “rẻ nhất”

(VOH) – Ngày 3/12, Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn cho các cơ sở sản xuất giữa TPHCM và 15 tỉnh.

TPHCM là đầu mối lưu thông và tiêu thụ lớn thực phẩm nhưng sản xuất nông nghiệp chỉ đạt gần 30% nhu cầu của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu từ nhiều nơi.

Vấn đề an toàn thực phẩm được quan tâm hàng đầu nhưng ở TPHCM vẫn còn khó khăn do hình thức kinh doanh ở chợ vỉa hè, chợ cóc, chợ tạm xuất hiện nhiều tại nơi đông dân cư.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, “Thu nhập của người dân hiện nay vẫn còn hạn chế, ai cũng muốn chọn thực phẩm sạch nhưng vẫn cân nhắc túi tiền. Tuy nhiên muốn thực phẩm rẻ nhất thì không thể đảm bảo chất lượng như mong muốn”.

Thực phẩm sạch không thể có giá “rẻ nhất” 1
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nhất Hương

Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm giữa TPHCM với 15 các tỉnh, thành là các cơ sở kinh doanh tại thành phố đạt chứng nhận an toàn. Được đánh giá trên 4 tiêu chí: Thanh tra - kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm; số lượng lẫn quy mô phải ít dần để an toàn hơn; kết quả kiểm nghiệm, quản lý bằng kỹ thuật để tăng lượng thực phẩm sạch.

Thực phẩm sạch tham gia chuỗi cung ứng an toàn để cung cấp cho người dân TPHCM. Đặc biệt cung cấp vào bếp ăn trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống để kiểm soát tương tự như cơ sở đạt chuỗi thực phẩm an toàn.

Thực phẩm sạch thì không thể có giá “rẻ nhất” 1
Thực phẩm sạch thì không thể có giá “rẻ nhất”.

Theo bà Lan, sản phẩm VietGAP chưa cần tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, nhưng có tham gia chuỗi nghĩa là đã có thực phẩm VietGAP.

Tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO...) cho TPHCM: Thịt đạt hơn 321 tấn/năm (chiếm hơn 98% nhu cầu tiêu thụ của người dân TP.HCM); trứng gia cầm đạt hơn 59%; rau, củ, quả là hơn 272 tấn/năm; sản phẩm thủy sản hơn 25 tấn/năm.

Thống kê hết tháng 11, TPHCM có 586 cơ sở tham gia đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 736 giấy chứng nhận.

Là đầu mối phối hợp tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm cho TPHCM, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Trong quá trình cung cấp sản phẩm đặc biệt là rau cho TPHCM, các đơn vị mong chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng, không những trong siêu thị kể cả chợ đầu mối tiêu chuẩn đều phải như nhau”.

Hiện tỉnh Lâm Đồng sản xuất và cung cấp khoảng 70% rau cho TPHCM, xây dựng được 210 chuỗi nông sản cho thành phố. Với các sản phẩm động vật, tỉnh Đồng Nai đang cung ứng khoảng 50% cho TPHCM, nguồn cung luôn dồi dào và truy xuất nguồn gốc an toàn theo chuẩn của chuỗi.
Bình luận