Thương mại điện tử, tiềm năng và xu thế phát triển thị trường giao đồ ăn trực tuyến

(VOH)-Thương mại điện tử phát triển, tạo ra xu hướng tiêu dùng mới và ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, trong đó thị trường giao thức ăn trực tuyến đang rất hấp dẫn.

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á

Hội thảo “Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững” tổ chức vào ngày 2/12/2022 do Báo Công Thương, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp – Bộ Khoa học Công nghệ thực hiện.

Thương mại điện tử, tiềm năng và xu thế phát triển thị trường giao đồ ăn trực tuyến 1
Diễn giả và khách mời tại hội thảo

Năm 2022, thương mại điện tử tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Nếu như năm 2016, doanh thu thương mại điện tử B2C đạt 5 tỷ USD, đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD, năm 2020 là 11,8 tỷ USD, năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD. Ước tính có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260-285 USD.

Hiện nay, thương mại điện tử đang tiếp tục phát triển, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới và ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu. Tính đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tới 52 tỷ USD và trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ 3 khu vực ASEAN.

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, thương mại điện tử được chú trọng để trở thành lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Trong lĩnh vực mũi nhọn này, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam chiếm vị trí quan trọng và được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển.

Hấp dẫn thị trường giao thức ăn trực tuyến

Ông Jinwoo Song – Tổng Giám đốc của BAEMIN Việt Nam chia sẻ: “Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có 3 yếu tố tạo nên sự phát triển đó là: Sự sẵn sàng của khách hàng, nền tảng cơ sở vật chất và công nghệ. Trước tiên, tôi nhận thấy thị trường và người tiêu dùng Việt Nam có độ sẵn sàng cao, họ bắt kịp xu hướng nhanh và sử dụng thành thạo công nghệ. Họ cởi mở với các nền văn hóa mới và luôn thúc đẩy để doanh nghiệp phải đầu tư phát triển các tính năng mới. Về nền tảng cơ sở vật chất, với sự phát triển vượt bậc của các ngân hàng số và nền tảng thanh toán trực tuyến, các ứng dụng có thể phục vụ khách hàng nhanh hơn và tiện lợi hơn. Lực lượng giao hàng công nghệ ở Việt Nam cũng đặc biệt chu đáo, được đào tạo kỹ lưỡng đi kèm với dịch vụ chăm sóc khách hàng ổn định. Đối với yếu tố công nghệ, lực lượng kỹ sư công nghệ tại Việt Nam đang được gia tăng đáng kể  giúp thị trường Việt Nam trở nên tiềm năng.”

Thương mại điện tử, tiềm năng và xu thế phát triển thị trường giao đồ ăn trực tuyến 2
Ông Jinwoo Song -Tổng Giám đốc BAEMIN chia sẻ về thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam

Thách thức lớn nhất hiện nay đối với thị trường giao đồ ăn trực tuyến đó là sự phát triển bền vững khi thị trường hiện nay được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cạnh tranh mã khuyến mãi khốc liệt giữa các ứng dụng công nghệ. Việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, có lượng người sử dụng đông đảo hơn và nâng cao số lượng đơn hàng.

Điểm bất cập của việc chú trọng vào mã khuyến mãi là tạo nên một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.

Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững

Trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn trực tuyến đang phát triển không ngừng, việc hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững là điều vô cùng cần thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cần sự tạo điều kiện từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực phát triển của mỗi doanh nghiệp thương mại điện tử.

Bên cạnh những chính sách và quy định hiện hành về thương mại điện tử, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với bối cảnh thực tế. Việc quy định đầu mối tập trung cho vấn đề hoạt động với nhiều bên liên quan như đối tác nhà hàng và đối tác tài xế cũng là yếu tố cần thiết với các ứng dụng.” Ông Jinwoo Song - Tổng Giám đốc BAEMIN chia sẻ.

Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử, yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh là tập trung vào trải nghiệm của người dùng khi họ sử dụng ứng dụng, thỏa mãn nhu cầu của họ và giữ chân được người dùng ở lại với ứng dụng.

Với bản chất hoạt động trong nền kinh tế số, các ứng dụng cần tận dụng và nâng cao các kỹ thuật khoa học công nghệ cao để mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp thương mại điện tử cần có trách nhiệm xã hội và hướng đến phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thế Quang- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, thương mại điện tử là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh. Sự phát triển song song giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các vấn đề trong giao dịch thương mại điện tử phát sinh cũng là bài toán được đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ người tiêu dùng.

Nỗ lực phát triển bền vững song hành cùng nâng cao năng lực cạnh tranh

Bên cạnh việc tập trung vào trải nghiệm khách hàng và là doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, BAEMIN hướng đến phát triển hệ sinh thái toàn diện và đồng hành cùng các đối tác cũng như cộng đồng.

Với đối tác tài xế, chúng tôi tạo nên một cộng đồng gắn kết luôn đặt khách hàng lên hàng đầu và sẵn sàng tham gia các hoạt động thiện nguyện dành cho cộng đồng. Với đối tác nhà hàng, chúng tôi mong muốn cập nhật kiến thức liên quan cho họ để phát triển kinh doanh qua sáng kiến Học viện BAEMIN cũng như tổ chức các buổi họp mặt gần gũi để các đối tác có thể trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Chúng tôi đặt người dùng làm trung tâm bằng cách mang đến những sáng kiến tiện lợi. Đối với cộng đồng, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và đồng hành cùng cộng đồng trong những dịp đặc biệt.” Ông Jinwoo Song - Tổng Giám đốc BAEMIN Việt Nam cho biết.