Thủy sản Việt Nam cần đẩy mạnh kiểm soát và tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EU 

(VOH) - Bất chấp tình hình dịch COVID-19 gây không ít khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành thủy sản Việt Nam vẫn duy trì chuỗi sản xuất, củng cố lại thị trường trong nước.

Tuy vậy, vấn đề “gỡ” thẻ vàng của Ủy ban châu Âu cũng như nắm bắt cơ hội từ Hiệp định EVFTA đang đặt ra những “bài toán” cho cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp ngành thủy sản phải “bắt tay” nhau để giải quyết một cách hiệu quả. Đây cũng chính là “nút thắt” để mở ra giai đoạn phát triển tiếp theo cho ngành thủy sản Việt Nam.

VOH phỏng vấn ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản.

* VOH: Thưa ông, trước tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng việc xuất khẩu thủy hải sản thời gian qua, Tổng cục Thủy sản có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp cũng như nông dân?

Ông Trần Đình Luân: Ngay trong giai đoạn giãn cách xã hội thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có nhiều cuộc làm việc, nắm tình hình, trao đổi thông tin, định hướng thị trường và tìm những giải pháp để một mặt là phòng chống dịch bệnh, mặt khác là vẫn thúc đẩy tiêu thụ sản xuất.

Chúng ta thấy vừa qua đã có rất nhiều những tín hiệu tốt, dù là giãn cách xã hội nhưng nhờ có những điều chỉnh kịp thời, do đó, xuất khẩu thủy sản của chúng ta dần phục hồi. Tuy nhiên, trước những thách thức thì đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại ngành hàng của chúng ta, nhìn nhận lại cách tổ chức sản xuất.

Vừa qua, chúng ta đã có rất nhiều sự điều chỉnh, ví dụ như các doanh nghiệp cũng đã tăng cường sản xuất các sản phẩm để cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng, khách hàng có thể sử dụng ngay được; Hoặc chế biến một cách rất đơn giản; Đặc biệt là các sản phẩm có thể đưa vào hệ thống siêu thị và bán hàng online đến người tiêu dùng.

Chúng tôi thấy rằng chúng ta cần lưu ý đến việc tổ chức sản xuất từ người nuôi cho đến người thu mua, chế biến, tiêu thụ theo một chuỗi; Thứ hai là chúng ta phải đảm bảo được vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm; Thứ ba là phải đa dạng hóa các sản phẩm ở các mặt hàng khác nhau, tăng cường chế biến sâu, để từ đó chuỗi sản xuất thủy sản của chúng ta được kéo dài ra; Đa dạng hóa về thị trường, đa dạng hóa về khách hàng, từ đó sẽ giảm rủi ro do tác động của dịch bệnh và thích ứng với tình hình mới.

Ngày 19 tháng 10 năm 2020, Thị trường hôm nay, Giá thực phẩm, Giá cả thị trường
Ảnh minh họa: SGGPO

* VOH: Như vậy thì những tháng cuối năm 2020, ông cho biết toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển như thế nào?

Ông Trần Đình Luân: Công tác chỉ đạo ở các tháng cuối năm, việc đầu tiên là tập trung rà soát lại các diện tích hiện có. Thứ hai, các địa phương cần lên một kế hoạch để tổ chức hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ và việc tổ chức sản xuất của bà con làm sao là phải ứng dụng khoa học công nghệ để làm giảm thiểu rủi ro, thu được kết quả cao nhất.

Mặt khác, đối với các cơ quan chuyên môn, chúng tôi cũng đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là với vật tư đầu vào. Một yếu tố rất quan trọng là tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường. Chúng ta cần có những thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, mưa bão trong giai đoạn chuyển mùa; Tình hình về diễn biến môi trường để từ đó có những giải pháp phù hợp giúp cho người nuôi có những phương án để chúng ta hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro, đảm bảo chúng ta có các vụ nuôi những tháng cuối năm thắng lợi.

* VOH: Gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu EC với vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU vẫn đang là bài toán đặt ra nhiều thách thức cho ngành thủy sản nước ta. Theo ông đâu là giải pháp tối ưu để giải quyết?

Ông Trần Đình Luân: Chúng ta phải tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo bà con phải tuân thủ các quy định và không vi phạm 14 quy định đó là khai thác bất hợp pháp, đây là một trong những điểm rất quan trọng.

Thứ hai, chúng ta cũng phải rà soát lại các đội tàu để chuẩn hóa số liệu, lắp các thiết bị giám sát hành trình, từ đó hướng dẫn cho bà con khai báo, báo cáo trước lúc đi hay ngay khi tàu cặp Cảng và làm công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc gắn với nhật ký một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Nông nghiệp đang rất nỗ lực cùng các Bộ ngành kiểm soát tốt các nguyên liệu nhập khẩu về để chế biến xuất khẩu. Còn về lâu dài, để có một nghề cá phát triển bền vững thì đã nằm trong các quy định: Thứ nhất, phải điều tra nguồn lợi, từ đó cơ cấu lại đội tàu cho phù hợp. Phải tăng cường đào tạo nghề để gắn với các trang thiết bị hiện đại, góp phần cho khai thác hợp lý, hiệu quả và truy xuất nguồn gốc được tốt hơn.

Một điểm nữa cũng là một ưu tiên của ngành và các Bộ ngành là đầu tư các hạ tầng cho lĩnh vực khai thác thủy sản phải đảm bảo theo các quy định để chúng ta có thể truy xuất nguồn gốc, tổ chức, triển khai các quy định một cách tốt nhất.

* VOH: Bên cạnh việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu thì ông nhận định thủy hải sản Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu thông qua Hiệp định thương mại EVFTA?

Ông Trần Đình Luân: Ngay từ khi Hiệp định chưa được thông qua thì về phía các Bộ ngành và đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức rất nhiều những cuộc hội nghị, hội thảo để giới thiệu các quy định trong Hiệp định và lộ trình để triển khai. Có thể nói là các doanh nghiệp và các địa phương cũng đã rất chủ động vào cuộc.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy một số các điểm cần phải nhấn mạnh để ngay trước mắt là chúng ta từng bước có thể tận dụng các ưu thế:

Trước tiên là về nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm khai thác hay sản phẩm nuôi trồng đều phải xuất phát từ các cơ sở đã được cấp mã số theo quy định. Trong Luật Thủy sản cũng đã quy định là ở các địa phương, đối với tôm và cá tra thì những cơ sở phải được cấp mã số kèm căn cứ ban đầu cho truy xuất nguồn gốc;

Thứ hai là tổ chức hướng dẫn, liên kết để chúng ta sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và những quy định của các nước nhập khẩu. Đây là những vấn đề rất mong các địa phương cùng doanh nghiệp ngành hàng, các Hiệp hội cần đẩy mạnh việc kiểm soát tốt và tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng thì cả sản phẩm nuôi và sản phẩm khai thác thủy sản có nhiều những cơ hội để gia tăng thị phần ở thị trường EU.

* VOH: Cảm ơn ông.

Bình luận