Tiếp tục tháo gỡ các dự án đường sắt đô thị

(VOH) - Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án.

Vừa qua, Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết về các giải pháp sắp tới của Chính phủ để tháo gỡ khó 3 tuyến đường sắt đô thị (Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông; Tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên; Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

uyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai, Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông đô thị thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị nhằm tăng cường loại hình vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc giao thông. Lộ trình đầu tư các tuyến phụ thuộc vào sự cần thiết, nhu cầu vận tải và hiệu quả đầu tư các dự án. Bên cạnh đó, do nguồn lực đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn, việc điều chỉnh dự án theo đúng trình tự, thủ tục cần thời gian nên việc triển khai đầu tư các dự án theo quy hoạch chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đưa dự án vào vận hành khai thác nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn; những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải báo cáo chi tiết Quốc hội việc này.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký, gửi báo cáo đến Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện dự án. Theo đó, tổng thầu chưa đề xuất mốc thời gian hoàn thành cụ thể nhưng dự kiến công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án vào ngày 31 tháng 12 năm 2019. Tuy nhiên, do tiến độ tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết nên theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải mốc thời gian nêu trên là khó khả thi. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục yêu cầu tổng thầu lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án. Thực tế hiện trường dự án thời gian gần đây đã có chuyển biến tích cực và hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, căn chỉnh đồng bộ hệ thống để triển khai vận hành thử toàn hệ thống. Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo: Dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án; tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng...

Đối với tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 1 là tuyến chạy chung giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004, đến nay đã có nhiều thay đổi phải điều chỉnh dự án; ngoài ra, có một số ý kiến băn khoăn về chủ trương thực hiện và một số vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính của dự án (theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017) và trách nhiệm quản lý đầu tư dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội (theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017).

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì đề xuất giải pháp xử lý. Bộ Giao thông vận tải đang báo cáo kế hoạch triển khai dự án. Chính phủ sẽ xem xét có ý kiến chỉ đạo trong đó có việc điều chỉnh dự án, làm cơ sở để Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện.

Còn Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trong quá trình triển khai phải điều chỉnh cả thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án.

Tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Sau khi dự án được phê duyệt và căn cứ tình hình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm để các Đại biểu Quốc hội biết và tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Để tháo gỡ các khó khăn cho các dự án, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực đường sắt đô thị để nghiên cứu, hoàn thiện (nhất là trong bối cảnh các dự án đều phải điều chỉnh, gặp nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục); rà soát, cân đối bố trí vốn để triển khai các dự án, đặc biệt ưu tiên bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành chủ động làm việc với các nhà tài trợ quốc tế xem xét, sửa đổi các điều kiện vay vốn theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu theo đúng tinh thần Chỉ thị số 18/CT-TTg  ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực đường sắt và phát triển công nghiệp đường sắt để từng bước làm chủ hoàn toàn về công nghệ xây dựng đường sắt đô thị và chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chủ động hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình triển khai dự án.

Cần tạo ra thương hiệu sản phẩm dệt may mang tầm thế giới - (VOH) – Tạo ra thương hiệu sản phẩm dệt may mang tầm thế giới, phấn đấu đến 2030 ngành dệt may xuất khẩu đạt 100 tỷ USD.

Bình luận